1. Sự tôn trọng
Có thể nói nguồn gốc của cách cư xử tốt là tôn trọng người khác và gốc rễ của sự tôn trọng là độ nhạy cảm. Nhạy cảm là một trong những phẩm chất quý giá nhất mà bạn có thể thấm nhuần cho bé ngay từ trong trứng nước. Những đứa trẻ nhạy cảm sẽ tự nhiên biết tôn trọng người khác, biết quan tâm cảm xúc người khác. Và theo năm tháng, một đứa trẻ nhạy cảm sẽ phát triển thành một người lịch sự.
2. Dạy con nói làm ơn và cảm ơn
Nhiều bậc cha mẹ thường cho rằng trẻ còn nhỏ nên bỏ qua việc uốn nắn giáo dục con về cư xử lễ phép. Ngay từ 2 tuổi, bé đã có thể học cách nói “Làm ơn” và “Cảm ơn” dù chưa hiểu ý nghĩa. Trong trí não của bé, “Làm ơn” là cách có được những gì bé muốn và “Cảm ơn” là cách kết thúc một sự tương tác. Khi dạy bé 2 từ đó, ít nhất bạn đã nhen nhóm được phép lịch sự giao tiếp vào vốn từ vựng của trẻ.
3. Làm gương cho con
Ngay từ trước khi con hiểu ý nghĩa của phép lịch sự, hãy tự làm gương cho con cái. Bé luôn có thói quen bắt chước lại những hành vi của người lớn. Vì vậy, nếu muốn bé lễ phép với mọi người thì chính cha mẹ nên bắt đầu trước từ những câu đơn giản như “Xin vui lòng”; “Làm ơn”; “Cảm ơn” và “Xin lỗi”.
4. Đừng ép buộc
Cách ứng xử là một kỹ năng được thừa hưởng, tiếp nhận chứ không phải do ép buộc. Bạn nên nhớ trẻ không phải là vật nuôi, không thể cứng nhắc bắt buộc trẻ luôn phải nói “Xin vui lòng” hay “Cảm ơn” trong mọi hoàn cảnh. Để hướng trẻ theo ý bạn, hãy tạo bầu không khí hòa đồng với những cử chỉ và ngôn từ đẹp và cho trẻ tự cảm nhận.
5. Dạy trẻ cách ứng xử thông qua khen thưởng và trừng phạt
Hãy nhớ rằng, thứ nhất, lời khen chính là sự khuyến khích, động viên tốt nhất mà trẻ cần. Không đơn giản chỉ là những lời khen hay món quà, giúp trẻ nhận ra lý do được khen và kết quả nhận được là gì mới quan trọng.
Thứ hai, người lớn cũng mắc lỗi lầm huống hồ là trẻ nhỏ. Cần đảm bảo rằng bạn “có thưởng có phạt” công bằng với trẻ. Tuy nhiên, trẻ phải được khuyên bảo và cần có con cơ hội được sửa lỗi để hiểu được đúng sai.
6. Tuân thủ các quy định
Người văn minh là người tuân thủ các quy định. Sẽ rất khó lòng dạy con sống văn minh trong khi bản thân cha mẹ không hành xử được như vậy. Bên cạnh những hướng dẫn, quy định có sẵn tại những nơi công cộng, cha mẹ cũng có thể đưa ra những quy định cụ thể ngay tại nhà như: gõ cửa trước khi vào phòng, đi thưa về chào, không tự tiện lấy đồ của người khác…Tất nhiên, không thể một sớm một chiều trẻ có thể nắm bắt hết được những gì đã chỉ bảo, nhưng từng chút một, chúng sẽ tiến bộ một cách đáng kể.
7. Giúp trẻ lập một thời gian biểu
Cha mẹ nên đề ra một thời gian biểu cho trẻ để tạo thói quen về những hoạch định cụ thể. Ví dụ như: khi nào đánh răng, ăn sáng, mặc quần áo, đến trường cũng như khoảng thời gian vui chơi… Trẻ con nên được uốn nắn, đặt vào khuôn phép từ nhỏ, qua thời gian khi có nhận thức nhất định, thói quen này sẽ cho trẻ những nguyên tắc nhất quán để tuân thủ khi trưởng thành.
8. Dạy trẻ cách sống hòa đồng
Không ai thích giao tiếp với một đứa trẻ khó chịu và hay cáu kỉnh, trẻ con thường chỉ thích chơi với những đứa trẻ hòa đồng, những bé không hòa đồng sẽ bị bạn bè lánh xa. Hãy cho trẻ biết điều này để bé hiểu ai cũng phải tuân thủ theo quy định của cuộc chơi nếu muốn vui vẻ. Không phải lúc nào bố mẹ cũng có thể ở bên cạnh và giúp bé nên việc giáo dục bé nhận thức được điều này là hoàn toàn cần thiết. Đây cũng là một cách rất hay giúp bố mẹ định hình tính cách cho trẻ và giúp trẻ tập kiềm chế bản thân trong mọi tình huống.
Dạy trẻ cách ứng xử lễ phép và hòa đồng chưa bao giờ là dễ dàng. Nhất là trong thời đại hiện nay khi trẻ con còn chưa nhận thức được những ảnh hưởng từ môi trường xung quanh. Và chỉ có cha mẹ mới có thể giúp trẻ định hướng tính cách của mình. Mỗi cá thể được giáo dục tốt sẽ tạo ra một thế hệ văn minh, lịch sự, đó cũng là điều mà xã hội đang hướng tới.