Ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa, túi nilon đã gây ra những tác hại khôn lường đối với môi trường và sức khoẻ cộng đồng. Theo phân tích của các nhà khoa học về môi trường, nhựa, túi nilon thải ra môi trường cần từ vài trăm năm mới có thể tự phân hủy trong điều kiện không bị tác động của ánh sáng mặt trời.
Khoảng đầu những năm 1990, khi những chiếc túi nilon bắt đầu phổ biến ở Việt Nam, chúng ta đã hân hoan với một thứ đồ đựng “thần kỳ” đến thế. Mỏng, nhẹ, dai bền, chiếc túi thay thế cho miếng giấy xi măng gói thịt, hay cho những chiếc túi làm bằng báo cũ đựng đỗ, lạc, vừng. Vừa bước qua thời bao cấp, chúng ta hào hứng đón nhận một vật dụng đơn giản mà tiện dụng và “văn minh” đến thế, không hề lường trước được hậu quả từ túi nilon.
Cùng với sự phát triển kinh tế, chủ nghĩa tiêu dùng bùng nổ, kèm theo đó là cuộc xâm lấn của đồ nhựa, trong đó có một phần lớn là đồ nhựa dùng một lần. Ống hút, cốc thìa, chai, hộp xốp… đang chiếm lĩnh thị trường tiêu dùng. Hơn thế nữa chiếc túi nilon cũng càng trở nên phổ biến, dù bạn chỉ mua một món đồ bé xíu như vỉ thuốc uống hay gói bột canh, cọng rau thơm… người bán cũng đựng chúng vào túi nilon để trao cho bạn.
Tôi cũng như bao người, mỗi lần đi chợ lại “rước” về nhà năm, bảy túi nilon. Lấy đồ ra xong, những túi nilon đó được vứt vào thùng rác sinh hoạt. Chúng ta “hồn nhiên” dùng túi nilon, dùng đồ nhựa và không quan tâm rằng một chiếc túi nilon mất vài chục năm mới phân hủy được, một chiếc cốc nhựa, xốp có thể mất đến 50 năm, còn chai nhựa đựng hóa chất thậm chí mất hàng trăm năm. Vậy là vô tình hay hữu ý, chúng ta đang ngày ngày “góp phần” hủy hoại môi trường, tích lũy hậu họa cho chính mình và hậu thế.
Theo các nhà khoa học, rác thải nhựa, túi nilon được làm từ những chất khó phân huỷ, khi thải ra môi trường phải mất hàng trăm năm đến cả nghìn năm mới bị phân huỷ hoàn toàn. Sự tồn tại của nó trong môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước bởi nhựa, túi nilon lẫn vào đất sẽ ngăn cản ôxi đi qua đất, gây xói mòn đất, làm cho đất bạc màu, không tơi xốp, kém chất dinh dưỡng, từ đó làm cho cây trồng chậm tăng trưởng. Các nhà khoa học còn phát hiện ra rằng đất và nước bị ô nhiễm bởi các chất thải nhựa sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ con người.
Nhằm hạn chế việc lạm dụng túi nilon, từ năm 2009 đến nay, Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội đã triển khai thực hiện thường niên chương trình "Hạn chế sử dụng túi nilon vì môi trường", với nhiều chủ đề: "Hà Nội - Ngày chủ nhật không túi nilon", "Hãy sử dụng túi thân thiện với môi trường"… UBND TP Hà Nội cũng đã có kế hoạch triển khai chương trình "Hạn chế sử dụng túi nilon vì môi trường" nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của túi nilon đối với môi trường, tạo thói quen sử dụng túi thân thiện với môi trường.
Chương trình hạn chế sử dụng túi nilon và sản phẩm không thân thiện môi trường là việc làm cần thiết. Song để chương trình đạt hiệu quả, cần có chiến lược, chính sách và giải pháp đồng bộ, cụ thể. Trước mắt, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người hiểu rõ tác hại của việc sử dụng túi nilon, từ đó thay đổi thói quen, cũng cần phải khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ các loại túi tự hủy, túi thân thiện môi trường với những ưu thế hơn hẳn túi nilon... Nếu chúng ta chỉ kêu gọi hạn chế sử dụng túi nilon mà không chú trọng sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường thì chủ trương khó đi vào cuộc sống và không đạt kết quả bền vững.