Viêm quanh cuống răng là tổn thương viêm của các thành phần mô quanh cuống răng nên người bệnh sẽ thấy đau nhức răng, nhất là khi chạm vào, có cảm giác chồi răng và lung lay răng, sưng vùng lợi quanh răng.
1. Nguyên nhân viêm quanh cuống răng
Có nhiều nguyên nhân viêm quanh cuống răng trong đó có các nguyên nhân chính sau:
1.1. Do nhiễm khuẩn:
- Do viêm tủy, tủy hoại tử gây biến chứng viêm quanh cuống răng. Quá trình viêm tủy do các vi khuẩn xâm nhập từ lỗ sâu giải phóng hàng loạt các chất có độc tính vào mô quanh cuống bao gồm:
- Nội độc tố và ngoại độc tố của vi khuẩn.
- Các Enzyme tiêu Protein, Phosphatase Acid, ß - Glucuronidase và Arylsulfatase.
- Các Enzyme tiêu cấu trúc sợi chun và sợi tạo keo.
- Prostaglandin và Interleukin 6 gây tiêu xương.
- Do viêm quanh răng, vi khuẩn từ mô quanh răng xâm nhập vào vùng cuống răng.
Viêm quanh cuống răng là tổn thương viêm của các thành phần mô quanh cuống răng.
1.2. Do sang chấn răng:
- Sang chấn cấp tính: Sang chấn mạnh lên răng gây đứt các mạch máu ở cuống răng, sau đó có sự xâm nhập của vi khuẩn dẫn tới viêm quanh cuống, thường gây viêm quanh cuống cấp tính.
- Sang chấn mạn tính: Các sang chấn nhẹ như sang chấn khớp cắn, núm phụ, sang chấn do tật nghiến răng, do thói quen xấu như cắn chỉ, cắn đinh… lặp lại liên tục và gây ra tổn thương viêm quanh cuống mạn tính.
1.3. Do sai sót trong điều trị:
- Do chất hàn thừa, chụp quá cao gây sang chấn khớp cắn.
- Do sai sót trong điều trị tủy:
- Trong khi lấy tủy và làm sạch ống tủy đẩy chất bẩn ra vùng cuống gây bội nhiễm.
- Tắc ống tủy do các tác nhân cơ học như gãy dụng cụ hoặc do các tác nhân hữu cơ như tạo nút ngà mùn trong lòng ống tủy.
- Lạc đường gây thủng ống tủy.
- Xé rộng hoặc di chuyển lỗ cuống răng.
- Các tổ chức nhiễm khuẩn bị đẩy vào vùng cuống trong quá trình điều trị hoặc các dị vật như sợi Cellulose từ giấy, bột tan từ găng tay…
- Các vi khuẩn trong khoang tủy kháng lại các chất sát trùng ống tủy ở các răng điều trị tủy lại.
- Dùng thuốc sát khuẩn quá mạnh hoặc có tính kích thích mạnh vùng cuống như: Trioxymethylen.
Có nhiều nguyên nhân viêm quanh cuống răng, trong đó có nguyên nhân do nhiễm khuẩn
2. Triệu chứng, dấu hiệu nhận biết viêm quanh cuống răng
2.1. Viêm quanh cuống cấp:
Người bệnh sẽ có các biểu hiện mệt mỏi, sốt cao ≥ 38˚C, có dấu hiệu nhiễm trùng như môi khô, lưỡi bẩn, có thể có phản ứng hạch ở vùng dưới hàm hoặc dưới cằm.
- Đau nhức răng: Đau tự nhiên, liên tục dữ dội, lan lên nửa đầu, đau tăng khi nhai, ít đáp ứng với thuốc giảm đau, bệnh nhân có thể xác định rõ vị trí răng đau.
- Cảm giác chồi răng: Răng đau chạm trước khi cắn làm bệnh nhân không dám nhai.
- Thường thấy vùng da ngoài tương ứng răng tổn thương sưng nề, đỏ, không rõ ranh giới, ấn đau, có hạch tương ứng, ấn đau.
- Răng có thể đổi màu hoặc không đổi màu,
- Khám thường thấy tổn thương do sâu chưa được hàn, hoặc răng đã được điều trị, hoặc những tổn thương khác không do sâu.
- Răng lung lay rõ, thường độ 2 hoặc 3.- Gõ dọc răng đau dữ dội so với gõ ngang.
- Niêm mạc ngách lợi tương ứng vùng cuống răng sưng nề, đỏ, ấn đau, mô lỏng lẻo.
Để chẩn đoán viêm quanh cuống răng, sau khi khám các bác sĩ sẽ chỉ định chụp X quang, kết quả có thể có hình ảnh mờ vùng cuống, ranh giới không rõ và dãn rộng dây chằng quanh cuống. Xét nghiệm máu bạch cầu đa nhân trung tính tăng, máu lắng tăng…
2.2. Viêm quanh cuống bán cấp:
- Bệnh nhân cảm thấy khó chịu, đau đầu, sốt nhẹ dưới 38˚C hoặc không sốt.
- Đau âm ỉ, liên tục ở răng tổn thương, cảm giác răng chồi cao, đau tăng khi 2 hàm chạm nhau.
- Ít thấy sưng nề vùng da tương ứng với răng tổn thương. Có thể có hạch nhỏ di động.
- Ngách lợi tương ứng răng tổn thương sưng nề nhẹ, đỏ, đầy, ấn đau.
- Răng đổi màu xám hoặc không.
- Tổn thương sâu răng ở các mặt răng.
- Răng lung lay độ 1, 2.
- Gõ dọc đau hơn gõ ngang.
Sau khi khám các bác sĩ khám sẽ chỉ định chụp X quang có thể có hình ảnh mờ vùng cuống, dãn rộng dây chằng vùng cuống nhẹ.
Khi bị viêm quanh cuống răng, người bệnh sẽ có các biểu hiện mệt mỏi, sốt cao.
2.3. Viêm quanh cuống mạn:
Gặp ở bệnh nhân có tiền sử đau của các đợt viêm tủy cấp, viêm quanh cuống cấp hoặc áp xe quanh cuống cấp.
- Người bệnh có biểu hiện răng đổi màu, màu xám đục ở ngà răng ánh qua lớp men.
- Vùng ngách lợi tương ứng quanh cuống răng có thể hơi nề, có lỗ rò hoặc sẹo rò vùng cuống. Đôi khi lỗ rò không ở trong hốc miệng mà ở ngoài da hoặc nền mũi tùy vị trí nang và áp xe.
- Gõ răng không đau hoặc đau nhẹ ở vùng cuống răng. Dấu hiệu này chỉ (+) trong các đợt cấp hoặc bán cấp của thể mạn tính.
- Răng có thể lung lay khi tiêu xương ổ răng nhiều.
- Chụp X quang có thể thấy hình ảnh nguồn gốc ổ mủ.
- Áp xe quanh cuống mạn tính: Hình tiêu xương ranh giới không rõ .
- U hạt và nang: Hình ảnh tiêu xương có ranh giới rõ.
3. Điều trị viêm quanh cuống răng
Điều trị viêm quanh cuống mạn
Nguyên tắc điều trị viêm quanh cuống mạn là loại trừ toàn bộ mô nhiễm khuẩn và hoại tử trong ống tủy.
- Dẫn lưu tốt mô viêm vùng cuống.
- Hàn kín hệ thống ống tủy, tạo điều kiện cho mô cuống hồi phục.
- Chỉ định phẫu thuật cắt cuống răng nếu tiên lượng điều trị nội nha không có kết quả.
Những răng bị viêm quanh cuống cấp hoặc bán cấp: Dẫn lưu buồng tủy. Sau đó dùng kháng sinh kết hợp với giảm đau, nâng cao thể trạng để tiến hành điều trị nội nha.
Viêm quanh cuống răng nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây nhiều biếm chứng phức tạp.
4. Biến chứng
Những răng bị tổn thương vùng cuống răng nếu không được điều trị kịp thời và đúng phương pháp, bệnh có thể gây nhiều biến chứng phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người bệnh.
- Biến chứng tại chỗ - Áp xe: Vùng xung quanh hoặc gây viêm hạch và vùng quanh hạch.
- Viêm xương tủy.
- Biến chứng toàn thân liên quan bệnh tim mạch, viêm thận, viêm khớp, gây đau nửa mặt giống như đau dây thần kinh V.
- Ngoài ra có thể gây sốt kéo dài, rất khó chẩn đoán bởi các xét nghiệm cơ bản như công thức máu không thấy có thay đổi, cấy máu âm tính…
5. Phòng ngừa viêm quanh cuống răng
Để phòng bệnh răng miệng nói chung, viêm quanh cuống răng nói riêng cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Hạn chế ăn đường, bánh kẹo. Không ăn vặt, không ngậm kẹo khi ngủ.
- Vệ sinh răng miệng: Chải răng đúng cách, sử dụng chỉ tơ nha khoa, nước súc miệng, lấy cao răng định kỳ.
- Nên sử dụng kem đánh răng có fluor, súc miệng nước fluor 0.2% mỗi tuần một lần, bôi verni fluor. Với việc sử dụng liệu pháp này bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
- Điều trị sớm khi phát hiện ra sâu răng. Bằng cách khám răng định kỳ 6 tháng 1 lần để phát hiện răng sâu và chữa kịp thời.
BS Lê Thị Hà