Mới đây một bệnh nhi 15 tháng tuổi nhập viện được bố mẹ đưa tới thăm khám trong tình trạng sốt cao, quấy khóc dù đã khỏi COVID-19 được 2 tuần.
Sau khi chẩn đoán, bác sĩ xác định bé bị sốt nhiễm khuẩn hậu COVID-19. Bác sĩ đã kê đơn thuốc và tư vấn bố mẹ cách chăm sóc, theo dõi con tại nhà.
Sốt nhiễm khuẩn được chẩn đoán bệnh dựa trên loại vi khuẩn gây bệnh.
Theo BS nhi khoa Trần Thanh Hòa, tình trạng sốt nhiễm khuẩn diễn ra khá phổ biến và thường ảnh hưởng tới hệ hô hấp của trẻ.
Sốt nhiễm khuẩn không có triệu chứng đặc trưng mà phụ thuộc vào loại vi khuẩn gây bệnh. Khi trẻ bị sốt nhiễm khuẩn, nhiều phụ huynh thường nhầm lẫn với cảm cúm khiến tình trạng bệnh của trẻ diễn tiến nặng.
Trường hợp trẻ bị sốt nhiễm khuẩn kéo dài, nếu không được xử trí đúng cách, bé có thể bị co giật, ảnh hưởng đến sức khỏe.
1. Sốt nhiễm khuẩn là gì?
Sốt nhiễm khuẩn là hiện tượng sốt do các tác nhân gây ra như các loại vi nấm, ký sinh trùng, vi khuẩn... Sốt nhiễm khuẩn có thể bắt gặp ở mọi lứa tuổi và thường ảnh hưởng nhiều tới đường hô hấp.
2. Sinh lý gây sốt nhiễm khuẩn
Sốt trong nhiễm khuẩn là do vi khuẩn sản xuất ra chí nhiệt tố (hoặt một chất khi kết hợp với bạch cầu đa nhân tạo ra chí nhiệt tố “nội sinh”). Chí nhiệt tố vi khuẩn là một lipopolysaccharid có hoạt tính rất mạnh, chỉ 0,1 mg đủ gây cơn sốt.
Chí nhiệt tố gây sốt bằng cách tác động trực tiếp tới trung tâm điều chỉnh thân nhiệt ở não thất III, hoặc gián tiếp bằng khởi đầu gây co mạch ngoại vi, giảm nhiệt độ ở da, rồi qua các xung động thần kinh, kích thích não thất III huy động cơ chế tăng sinh nhiệt gây nên các cơn rét run.
Sang thời kỳ toàn phát, khi đã sốt cao, co mạch ngoại vi mất, việc điều chỉnh được cân bằng, thân nhiệt ổn định; song một khi thân nhiệt tăng, chuyển hoá tăng, ôxy hoá tăng, thải nhiệt tăng và nhiệt độ ổn định ở mức cao.
Khi nhiệt độ giảm, mồ hôi toát nhiều (1g nước bốc hơi sẽ làm mất 580 calo) và thải nhiệt mạnh.
Sốt nhiễm khuẩn có thể bắt gặp ở mọi lứa tuổi, xuất hiện quanh năm.
- Sốt nhiễm khuẩn không có các triệu chứng đặc trưng mà còn phụ thuộc vào loại vi khuẩn bệnh gây ra. Ví dụ: Sốt nhiễm khuẩn huyết sẽ có các triệu chứng như: Sốt cao trên 38 độ, ớn lạnh, thở gấp, nhịp tim nhanh, hạ đường huyết, tiêu chảy...
- Sốt nhiễm khuẩn được chẩn đoán bệnh theo loại vi khuẩn gây ra, ví dụ như vi bệnh sốt thương hàn là do vi khuẩn thương hàn gây ra...
- Tình trạng sốt nhiễm khuẩn có thể là do các loại vi khuẩn gây bệnh khác nhau gây ra, chính vì vậy việc điều trị bệnh tình đúng cách cũng còn phải dựa vào chẩn đoán bệnh từ các bác sĩ.
Trẻ bị sốt nhiễm khuẩn sẽ có các triệu chứng như sốt cao trên 38 độ.
3. Có nên hạ sốt không?
Sốt là phản ứng miễn dịch tự nhiên trong cơ thể, nhằm loại bỏ các tác nhân gây bệnh, thường gặp nhất là ký sinh trùng và virus. Sốt vừa có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi những tác nhân xấu vừa có những ảnh hưởng nhất định đối với sức khỏe con người.
Bên cạnh những mặt lợi, sốt cũng có những ảnh hưởng nhất định đến cơ thể. Sốt cao làm tăng nguy cơ xảy ra phản ứng quá mẫn, gây sốc, tăng tiêu hủy, dẫn đến giảm kẽm và sắt trong máu. Sốt còn khiến cơ thể bị mất nước, rối loạn chất điện giải, gây ra co giật, rất nguy hiểm đối với trẻ em và trẻ sơ sinh. Đối tượng bị sốt cao có thể gặp phải các tổn thương thần kinh khác, chẳng hạn như mê sảng, lú lẫn, suy kiệt, mệt mỏi, suy tim, chán ăn, suy hô hấp...
Đối với trẻ em, việc điều chỉnh thân nhiệt chưa được vững bền, sốt quá cao có thể gây co giật. Trong những trường hợp cần thiết, có thể dùng biện pháp vật lý, dùng quạt, chườm lạnh, chườm đá, tránh mặc nhiều quần áo, ngừa các cơn giật bằng các thuốc an thần (valium) và dùng các thuốc hạ nhiệt.
4. Dấu hiệu trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp dẫn đến sốt
- Trẻ biếng ăn hoặc ít bú.
- Trẻ mệt mỏi, hay quấy khóc, da trở nên xanh hơn.
- Trẻ bị ho và kèm theo các dấu hiệu khác như tiêu chảy, chảy mũi, thở khò khè.
- Khi bệnh nhiễm khuẩn hô hấp trở nặng, trẻ sẽ có các dấu hiệu nguy hiểm như:
- Trẻ thở nhanh, thở rút lõm lồng ngực.
- Không bú, bú ít hoặc không ăn uống được.
- Nôn hết tất cả, kể cả nước.
- Co giật, tím tái, ngủ li bì hoặc rất khó để đánh thức trẻ.
- Trẻ thở bất thường.
- Suy dinh dưỡng nặng.
Để nhận biết được trẻ thở bất thường hay không, phụ huynh cần đếm nhịp thở của trẻ trong 1 phút bằng đồng hồ kim giây khi trẻ nằm yên, không quấy khóc. Trẻ thở nhanh khi:
- Nhịp thở trên 60 lần/phút đối với trẻ từ 0 đến 2 tháng tuổi.
- Nhịp thở trên 50 lần/phút đối với trẻ từ 2 tháng đến 12 tháng tuổi.
- Nhịp thở trên 40 lần/phút đối với trẻ từ 12 tháng tuổi đến 5 tuổi.
- Cha mẹ cần quan sát khi trẻ hít vào thở ra, phần dưới lồng ngực sẽ bị lõm vào hay nở ra như bình thường. Dấu hiệu thở rút lõm lồng ngực là trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp.
5. Sốt nhiễm khuẩn ở trẻ có nguy hiểm không?
Khi trẻ có các triệu chứng nặng cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Khi bị sốt nhiễm khuẩn nếu tình trạng sức khỏe của trẻ ổn định thì không quá nguy hiểm, các bậc phụ huynh có thể chăm sóc trẻ tại nhà. Cha mẹ có thể dùng thuốc hạ sốt và bổ sung thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất giúp bệnh tình nhanh chóng thuyên giảm.
Tuy nhiên, khi trẻ có các triệu chứng nặng cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
6. Sốt nhiễm khuẩn có lây không?
Sốt nhiễm khuẩn là bệnh hoàn toàn không lây lan, đặc biệt không lây qua tiếp xúc. Bệnh chủ yếu là do vi sinh vật tấn công vào cơ thể, những ai có yếu tố nguy cơ cao nên chú ý phòng tránh các viêm nhiễm.
Trẻ bị sốt nhiễm khuẩn cần bổ sung nước và chất điện giải cho bé. Ảnh minh họa
7. Phương pháp điều trị sốt nhiễm khuẩn ở trẻ
- Cho trẻ uống thuốc hạ sốt, kháng sinh (trong trường hợp cần thiết) theo chỉ định của bác sĩ.
- Kiểm tra nhiệt độ cơ thể bé bằng nhiệt kế thường xuyên để xác định bé có hạ sốt hay không (khoảng 30 phút 1 lần).
- Lau người bằng khăn ấm để trẻ nhanh hạ sốt.
- Bổ sung đủ nước, điện giải cho trẻ.
- Cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, thoải mái.
- Theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ thường xuyên khi bị sốt, nếu trẻ có các triệu chứng nặng cần đưa đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.
8. Biện pháp phòng ngừa vi khuẩn gây bệnh
- Xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt bổ sung thêm các loại thức ăn giàu vitamin, khoáng chất giúp hệ miễn dịch của cơ thể luôn ổn định.
- Luôn vệ sinh sạch sẽ đường hô hấp (tai, mũi, họng), đặc biệt ở trẻ nhỏ.
- Vệ sinh sạch sẽ không gian sống.
- Tránh tuyệt đối tiếp xúc với các trường hợp đã được chuẩn đoán bệnh.
- Thăm khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ.