Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong mùa đông, tốt nhất bạn cần ăn chín, uống sôi, lựa chọn những thực phẩm an toàn. Đối với thịt cá, gia cầm cũng cần được chế biến kỹ, không ăn thịt tái chưa chín hẳn. Trước khi chế biến, cần nên xát muối vào các lớp thịt bề mặt, trần nước sôi để khử vi khuẩn. Đối với các loại rau củ quả, bạn nên ngâm ít muối để loại bỏ những chất độc hóa học còn đọng lại trên rau. Khi chế biến cũng cần đảm bảo rằng rau được chín hoàn toàn. Đối với nhiều loại rau ăn sống cũng cần rửa sạch và ngâm nước muối trước khi ăn.
Vệ sinh dụng cụ trước và sau khi chế biến
Các loại dụng cụ chế biến thức ăn như dao, thớt là môi trường trung gian thuận lợi nhất để lây truyền vi sinh vật gây ngộ độc thực phẩm. Khi bạn lấy dao, thớt chế biến cá, thịt sống nếu như không rửa sạch sau đó bạn lại tiếp tục sử dụng chế phẩm chín thì rất dễ đưa các vi sinh vật từ thực phẩm sống sang thực phẩm chín. Bạn cũng rửa sạch lại xoong, nồi, chảo trước và sau khi nấu ăn, tránh để qua đêm bởi những vi khuẩn độc hại đọng lại sẽ phát triển và lây nhiễm khu vực xung quanh.
Bảo quản thực phẩm đúng cách
Vào mùa đông lạnh bạn cũng không nên để thực phẩm ở ngoài mà nên bảo quản trong tủ lạnh. Bởi vì vào mùa đông, độ ẩm và nhiệt độ thay đổi khá thất thường, nhiệt độ phòng không đủ giết chết vi sinh vật. Với những thực phẩm tươi sống như thịt, sau khi rửa sạch, chia thành nhiều phần cho từng bữa ăn và cất vào ngăn đông. Thực phẩm chín phải để nguội mới cho vào bảo quản trong tủ lạnh, trước khi ăn cần hâm nóng lại, ăn ngay không để lâu quá 2 tiếng. Các loại rau củ tươi nên được bọc kín thành các túi riêng và cho vào ngăn đựng rau củ trong tủ lạnh.
Những thực phẩm tránh ăn vào mùa đông
Cải thảo bị dập nát
Mùa đông là mùa của cải thảo. Tuy nhiên, trong cải thảo chứa nhiều chất nitrat, nếu bị dập nát, thối rữa thì hàm lượng nitrat sẽ tăng lên gấp nhiều lần và vô tình nó trở thành thực phẩm có độc tố nguy hiểm. Nếu ăn nhiều phần rau bị hỏng dễ gây ngộ độc nitrit. Triệu chứng ngộ độc thường gặp là chóng mặt, đau đầu, nôn, khó thở nặng, huyết áp bất ổn. Vì vậy, tốt nhất nên ăn rau tươi mỗi ngày. Rau chưa dùng đến cần phải bảo quản cẩn thận trong ngăn mát tủ lạnh.
Sữa đậu nành sống
Chúng ta đều biết sữa đậu nành rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên uống sữa đậu nành sống có chứa chất ức chế độc hại trypsin, dễ gây độc sau khi uống. Do đó, sữa đậu nành phải được nấu chín kỹ trước khi uống. Cần phải nấu sữa sôi liên tục trong vòng 5-10 phút mới đảm bảo được sữa đã được nấu chín kỹ.
Khoai tây nảy mầm
Khoai tây mọc mầm có chứa chất độc thì ai cũng biết nhưng khoai tây nấu chưa chín cũng dễ gặp phải tình trạng tương tự. Trong khoai tây nảy mầm hay nấu chưa chín đều chứa chất độc solanine, dễ gây ngộ độc sau khi ăn. Để tránh ngộ độc khi ăn khoai tây, cần đảm bảo khoai được tươi, bảo quản ở nơi nhiệt độ thấp, tránh ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào.