Triệu chứng bệnh bạch hầu giống như một đợt cảm lạnh với các dấu hiệu: Viêm họng, viêm thanh quản, viêm amidan hoặc nhiễm trùng ngoài da. Ban đầu, người bệnh có triệu chứng đau rát cổ họng, sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi. Sau 2-3 ngày, vùng họng xuất hiện những đám hoại tử tạo thành lớp giả mạc màu trắng xanh. Một số trường hợp có sưng nề vùng dưới hàm và sưng các hạch vùng cổ. Trường hợp nặng có thể dẫn đến hôn mê, đờ đẫn, mạch nhanh. Nếu không được điều trị kịp thời, trẻ mắc bệnh bạch hầu có thể tử vong sau vài ngày do vi khuẩn ngấm vào máu, gây nhiễm độc toàn thân.
Đường lây truyền chính của vi khuẩn bạch hầu là tiếp xúc trực tiếp với da vùng tổn thương của người bệnh, dịch từ mũi họng, các giọt bắn của người bệnh khi nói chuyện, ho, hắt hơi, các vật thể nhiễm khuẩn. Cả người bệnh và người lành mang mầm bệnh đều có thể lây truyền bệnh.
Các đối tượng nguy cơ của bệnh bạch hầu bao gồm:
- Người có tiền sử viêm da cơ địa
- Người có điều kiện sống không vệ sinh, đông đúc, chật chội
- Người di chuyển tới nơi đang có dịch bệnh
- Người không tiêm phòng vắc-xin bạch hầu.