Tamiflu là thuốc kê đơn, khi sử dụng phải có chỉ định bác sĩ, sử dụng bừa bãi có thể gây kháng thuốc.
Hôm 29/7, trả lời VnExpress, Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Quốc Đạt, giảng viên Bộ môn Truyền nhiễm, Đại học Y Hà Nội, cho biết Tamiflu hay Oseltamivir có khả năng chống virus cúm, có thể làm giảm triệu chứng, song hiệu quả không đáng kể ở bệnh nhân nhẹ.
Thuốc được chỉ định cho những trường hợp cúm nặng, nguy kịch hoặc những bệnh nhân có nguy cơ cao chuyển nặng như trẻ dưới hai tuổi, người già trên 65 tuổi, bệnh nhân hen suyễn, tim mạch, suy giảm miễn dịch... Lạm dụng Tamiflu sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc, làm giảm hiệu quả điều trị khi bệnh nhân tiến triển nặng.
"Sự kháng thuốc có thể xảy ra một cách tự nhiên do đột biến ngẫu nhiên của virus, nhưng việc sử dụng không đúng là yếu tố quan trọng thúc đẩy hiện tượng này, tương tự như kháng kháng sinh trong điều trị nhiễm khuẩn", ông Đạt nói.
Trước đây, các bác sĩ đã từng sử dụng các thuốc kháng virus như Amantadine và Rimantadine để điều trị cúm. Tuy nhiên, từ sau dịch cúm gia cầm năm 2003 và H1N1 năm 2009 đến nay, hai thuốc này đã bị các virus cúm mùa và cúm gia cầm kháng hoàn toàn. Viễn cảnh tương tự có thể xảy ra với thuốc đang được sử dụng để điều trị cúm hiện nay, đặc biệt là Tamiflu và Zanamivir.
"Với những người không có bệnh lý nền, khỏe mạnh, khi mắc cúm triệu chứng nhẹ, việc dùng Tamiflu không cần thiết. Lý do bệnh có thể tự khỏi nhờ điều trị triệu chứng mà không cần thuốc hay điều trị đặc hiệu", bác sĩ nói.
Cùng quan điểm, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cho rằng Tamiflu là thuốc kê đơn, khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc, không được sử dụng tùy tiện. Thuốc được chỉ định với nhóm có nguy cơ như người có bệnh mạn tính về tim phổi, thận, biến chứng viêm phổi...
"Vì thế, khi có chỉ định của bác sĩ, người bệnh mới dùng thuốc này. Sau 48 giờ kể từ khi có triệu chứng, thuốc không có tác dụng với virus cúm, không nên tự ý mua thuốc về chữa bệnh", bác sĩ nói.
Thông thường, cúm diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Riêng trẻ em, người lớn tuổi, đặc biệt người có bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch ... thì cúm có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong, nên cần theo dõi kỹ sức khỏe tại nhà. Nếu các triệu chứng kéo dài hơn một tuần, người bệnh không được chủ quan mà nên đến cơ sở khám chữa bệnh uy tín để điều trị kịp thời, tránh biến chứng nghiêm trọng do cúm gây ra.
Tamiflu là thuốc kê đơn, khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc, không được sử dụng tùy tiện. Ảnh: Thùy Linh
Theo bác sĩ, cách tốt nhất để phòng cúm là tiêm vaccine cúm hằng năm. Đặc biệt là gia đình có trẻ em, nên tiêm đủ, đúng lịch, tiêm nhắc lại để chủ động phòng tránh dịch bệnh.
Khi trẻ bị sốt, chỉ nên điều trị theo triệu chứng như hạ sốt, bổ sung nước điện giải, tăng cường dinh dưỡng, vệ sinh mũi họng, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các trẻ khác hoặc những người có cơ địa suy giảm miễn dịch), nằm trong môi trường thoáng khí, nhiệt độ mát...
Ngoài ra, khi nhu cầu thuốc tăng cao một cách đột biến sẽ dẫn tới tình trạng khan hiếm, đẩy giá thuốc tăng cao khiến người bệnh nhẹ mất tiền oan trong khi nhiều trường hợp nặng không có thuốc, mất cơ hội điều trị. Đổ xô đi mua Tamiflu dự trữ dễ dẫn đến tình trạng "người cần không có, người có không cần".
Từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận gần 3.000 trường hợp mắc cúm, đặc biệt là cúm A bùng phát bất thường khiến thuốc cúm Tamiflu bị đẩy giá. Nhiều người chấp nhận mua giá cao gấp đôi, gấp ba để tích trữ thuốc trong nhà phòng bệnh. Cách đây hai năm, tình trạng Tamiflu khan hiếm và bị đẩy giá cao gấp ba lần cũng xảy ra tại Hà Nội.
Ngày 28/7, trước tình trạng giá thuốc bị "đội" lên do nhu cầu thị trường, Cục Quản lý Dược yêu cầu các địa phương bảo đảm cung ứng, kiểm soát chặt giá thuốc điều trị cúm mùa. Các bệnh viện, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc công khai và bán theo giá đã công khai, mua thuốc theo giá không cao hơn giá bán buôn, bán lẻ đã công bố. Các bên không được lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, đẩy giá để trục lợi.