Đồng nhiễm cúm và Covid-19 có thể tăng nặng tổn thương phổi, suy hô hấp, nhiễm trùng huyết, tăng nguy cơ tử vong gấp 2 lần.
Kênh truyền hình RT hôm 3/1 đưa tin Trung tâm y tế Rabin ở Petah Tikva, Israel tiếp nhận một bệnh nhân nữ đang mang thai, được chẩn đoán đồng nhiễm virus cúm và Sars-CoV-2 ngay khi nhập viện. Các triệu chứng cúm và Covid-19 đều tấn công vào đường hô hấp trên của bệnh nhân.
Theo BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, ca đồng nhiễm cúm và Covid-19 trên thai phụ tại Israel được coi là ca "bệnh kép" đầu tiên trên thế giới ghi nhận rõ ràng bằng xét nghiệm cúm và Covid-19 đều cho kết quả dương tính sau nhiều lần kiểm tra.
Lo lắng nguy cơ đồng nhiễm Covid-19 và cúm, người dân chủ động đi tiêm vaccine phòng bệnh. Ảnh: VNVC
Cả bệnh cúm và Covid-19 đều do virus tấn công vào đường hô hấp trên, tập trung nhiều ở hầu họng và phổi gây ra khó thở. Khi mang thai, cơ thể người phụ nữ sẽ thay đổi về hệ miễn dịch, phổi, tim, khiến họ dễ bị mắc bệnh nặng và biến chứng gây ra bởi các virus như virus cúm hay Sars-CoV-2.
"Phụ nữ mang thai mắc Covid 19 sẽ tăng nguy cơ sinh non, thai chết lưu. Mặt khác, nếu phụ nữ mang thai bị nhiễm virus cúm có thể gây hại tới sự phát triển của thai nhi. Như vậy, nếu đồng nhiễm cả hai bệnh cùng lúc chắc chắn sẽ làm tăng nguy cơ nhập viện và các biến chứng bất lợi cho cả mẹ và thai nhi", BS Chính cảnh báo.
Tại Việt Nam, bên cạnh Covid-19, mùa đông xuân hiện nay cũng là thời điểm bệnh cúm cao nhất trong năm, đặc biệt ở miền Bắc. Các chủng virus cúm lưu hành ở Việt Nam khá đa dạng nhưng chủ yếu là cúm A (H3N2, H1N1) và 2 chủng cúm B (Yamagata và Victoria). Đây cũng là những chủng cúm gây bệnh nặng trên người.
"Đồng nhiễm cúm và Covid-19 có thể gây tăng nặng tổn thương phổi, suy hô hấp, nhiễm trùng huyết, tổn thương tim, thậm chí tử vong. Cúm và Covid-19 đều có biểu hiện giống nhau. Do đó tiêm ngừa cúm không chỉ có vai trò lớn trong việc tránh nguy cơ đồng nhiễm mà còn giảm khả năng nhầm lẫn triệu chứng, gây khó khăn trong chẩn đoán và điều trị", BS Bạch Thị Chính cho biết thêm.
Các tổ chức y tế trên thế giới cảnh báo đại dịch kép cúm và Covid-19 có nguy cơ xảy ra trong mùa đông năm nay, gây ra các hậu quả làm suy giảm hệ miễn dịch. Nghiên cứu từ các chuyên gia Đại học California, Mỹ, cho hay những người mắc cúm và Covid-19 cùng lúc có nguy cơ tử vong cao gấp 2 lần so với người chỉ mắc Covid-19. Đây là lý do năm nay công tác phòng ngừa cúm tại nhiều nước được tăng cường.
Trước nguy cơ đồng nhiễm cúm và Covid-19, cần bảo vệ tối đa những đối tượng nguy cơ cao như trẻ em, người cao tuổi, người bệnh lý nền. Ảnh: VNVC
BS Bạch Thị Chính nhấn mạnh: "Có thể tiêm đồng thời vaccine Covid-19 và các vaccine phòng bệnh khác như cúm, phế cầu, sởi, quai bị, rubella, thủy đậu... trong cùng 1 buổi tiêm chủng mà không cần trì hoãn và vẫn đảm bảo an toàn. Do vậy, người dân hãy đi tiêm vaccine càng sớm càng tốt, đầy đủ, đúng lịch để tránh nhiễm đồng thời Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm".
Hiện Việt Nam đã có các loại vaccine cúm tứ giá thế hệ mới được chỉ định để phòng ngừa bệnh cúm mùa gây ra bởi 4 chủng virus cúm bao gồm hai chủng cúm A (H1N1, H3N2) và hai chủng cúm B (Yamagata, Victoria) cho trẻ em và người lớn, đặc biệt là người lớn tuổi, người có bệnh nền. Phụ nữ trước khi mang thai cần chủ động tiêm vaccine phòng cúm và các bệnh truyền nhiễm càng sớm càng tốt để bảo vệ sức khỏe tốt nhất cho mình và thai nhi.
Ngoài ra, theo BS Bạch Thị Chính, người dân cũng có nguy cơ đồng nhiễm Covid-19 với các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp khác như: ho gà - bạch hầu - uốn ván, viêm màng não, sởi - quai bị - rubella, thủy đậu, viêm não Nhật Bản... Do đó, ngoài vaccine cúm, trẻ em, người lớn cần tiêm đầy đủ các loại vaccine khác để đạt hiệu quả phòng bệnh và "miễn dịch chéo" với Covid-19. Tiêm không đúng lịch, không đủ liều sẽ khiến việc phòng bệnh không được đầy đủ và tạo khoảng trống miễn dịch, nguy cơ bệnh chồng bệnh gia tăng.