Phụ huynh cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, có dấu hiệu trở nặng cần đưa bé đến bệnh viện để được thăm khám kịp thời.
Th.S.BS Lê Phan Kim Thoa - Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, lưu ý, phụ huynh nên tuân thủ chỉ định của bác sĩ về việc điều trị tại nhà hay cần nhập viện điều trị. Đa số các trường hợp sốt xuất huyết, trẻ có thể được điều trị tại nhà, chỉ cần tuân thủ lời khuyên của bác sĩ về việc theo dõi và tái khám. Trẻ bị sốt xuất huyết cần hạn chế vận động mạnh có thể gây chấn thương, đặc biệt trong những ngày có thể xảy ra biến chứng (ngày thứ 3-7).
Một điều khó khăn khi chăm sóc trẻ sốt xuất huyết là bệnh nhi ăn uống kém, nên phụ huynh chú ý chia bữa ăn thành các cữ nhỏ, đặc biệt phải uống đủ nước. Cha mẹ nên cho bé ăn lỏng, dễ tiêu hóa, phù hợp khẩu vị. Người lớn cần chú ý tránh cho bé ăn hay uống các loại thực phẩm có màu đen hoặc đỏ vì nếu bé ói, sẽ khó phân biệt được đó là máu hay đó là màu do thực phẩm bé dùng. Điều này cũng gây khó khăn cho bác sĩ trong chẩn đoán bệnh.
Sốt xuất huyết nặng có thể xảy ra từ ngày thứ ba trở đi. Bệnh dễ trở nặng khi trẻ giảm sốt trong giai đoạn này; do đó phụ huynh cần chú ý theo dõi sát nhiệt độ. Sốt xuất huyết thường đi kèm với tổn thương gan, phần lớn trường hợp nhập viện đều ghi nhận men gan tăng. Để tránh ảnh hưởng đến chức năng gan, phụ huynh nên hạ sốt bằng lau mát, chỉ nên hạ sốt khi bé trên 39 độ, uống thuốc hạ sốt theo đúng liều bác sĩ cho, phụ huynh không tự động tăng liều hạ sốt. Cha mẹ cần chú ý chọn thuốc hạ sốt nhóm Paracetamol, không tự ý dùng thuốc hạ sốt khác mà không có ý kiến của bác sĩ. Điều này có thể gây ra các biến chứng nặng như tổn thương gan não hay xuất huyết nặng.
Một số dấu hiệu cảnh báo trẻ đang nguy hiểm cần đưa đến bệnh viện ngay: bé ngủ nhiều, lừ đừ, không chơi, bứt rứt khó chịu, ói nhiều, không ăn uống, quấy khóc liên tục; các bé lớn than đau bụng hoặc bé ói; bé không uống nước; bé bị chảy máu chân răng, chảy máu cam, đi cầu ra máu hay phân đen, tiểu ra máu; bé tiêu ít hoặc thở bất thường.
Phụ huynh không nên tự ý cho bé đi truyền dịch ở các cơ sở y tế ngoài bệnh viện vì khi sử dụng dịch truyền cho trẻ sốt xuất huyết, bác sĩ cần phải dựa trên xét nghiệm, thăm khám, đánh giá giai đoạn bệnh của trẻ. Từ đó, chuyên gia chọn lựa loại dịch truyền, tốc độ và thời gian truyền dịch. Truyền dịch quá sớm hay quá trễ đều có hại cho trẻ.
Trẻ mắc sốt xuất hiện nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời sẽ nhanh hồi phục. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Phòng ngừa sốt xuất huyết
Theo bác sĩ Thoa, hiện tại, sốt xuất huyết vẫn là gánh nặng đối với các nước nhiệt đới. Đây là căn bệnh xảy ra hàng năm theo mùa, nhưng nhiều người thường lơ là. Khi bùng phát dịch, đột biến số ca nhiễm, số ca tử vong thì người dân mới phòng ngừa.
Sốt xuất huyết có 4 tuýp gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 tuýp gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch. Miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng tuýp, do đó nếu không biết cách phòng ngừa, mỗi người có thể trải qua 4 lần bị bệnh trong đời bởi 4 tuýp khác nhau.
Hiện tại, sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng ngừa, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vẫn là nguy cơ tiềm ẩn. Biện pháp phòng tránh hiệu quả nhất là diệt muỗi, hạn chế môi trường sinh sống của muỗi. Phát hiện bệnh sớm, đến bệnh viện đúng lúc để giảm thiểu số ca tử vong.
Để hạn chế môi trường sinh sống của muối, những chỗ nước đọng trong nhà phải dọn dẹp sạch sẽ, bình chứa nước cần có nắp đậy, cần loại bỏ các vật phế thải như vỏ xe, bát bể có thể đọng nước.
Gia đình có thể phòng ngừa không để muỗi đốt bằng cách mặc áo tay dài, ngủ mùng, giăng lưới ở cửa sổ. Đặc điểm của muỗi gây bệnh sốt xuất huyết là muỗi hoạt động vào ban ngày, nên phụ huynh cần có thói quen giăng mùng ngay cả khi ngủ trưa. Đặc biệt, muỗi gây bệnh sốt xuất huyết chích nhiều lúc sáng sớm và chiều tối nên phụ huynh phải để ý thời điểm để bảo vệ trẻ, hạn chế cho bé đi đến những chỗ có khả năng bị muỗi chích.