Ngay từ khi dịch mới bùng phát người ta đã tìm thấy virus SARS-CoV-2 tại mắt, chính nó gây ra viêm kết mạc, cũng là biểu hiện sớm của bệnh COVID-19 trên người nhiễm SARS-CoV2.
Virus được phân lập từ các bệnh phẩm thuộc bề mặt nhãn cầu như nước mắt, kết mạc, cũng dễ hiểu vì bề mặt nhãn cầu chính là bộ phận phơi nhiễm với môi trường có virus nhiều.
Thêm nữa, biểu hiện tại mắt không chỉ là bề mặt nhãn cầu mà còn là các bộ phận phía sau, cũng được khuyến cáo nên đề phòng và phát hiện sớm.
1. Những biểu hiện trên bề mặt nhãn cầu
Viêm kết mạc với các dấu hiệu đỏ mắt, phù kết mạc, cảm giác có cát trong mắt, ra gỉ, chảy nước mắt được xem là có vai trò của SARS-CoV-2.
Do các tế bào giác mạc và kết mạc có nhiều các thụ thể ACE2 và TMPRSS2 nên việc xâm nhập các virus dòng corona có các gai protein như SAR-CoV-2 sớm và rầm rộ. Sau đó là các biểu hiện đáp ứng miễn dịch tại chỗ đa dạng như đỏ mắt, chảy nước mắt, phù kết mạc.
Viêm kết mạc được coi là biểu hiện của COVID-19 với các thống kê khá khác biệt với tỷ lệ mắc từ 1% đến 63,6%. Đa phần viêm kết mạc là nhẹ hoặc không có triệu chứng, chỉ có 3% chuyển nặng.
Viêm kết mạc với các dấu hiệu đỏ mắt, phù kết mạc, cảm giác có cát trong mắt, ra gỉ, chảy nước mắt do virus trực tiếp gây ra hay còn phải phân biệt với viêm kết mạc bội nhiễm, do rối loạn miễn dịch, do những bất lợi của thở máy và điều trị tích cực… vẫn còn nhiều bàn cãi. Tuy nhiên, có vẻ không phải là 'tội lỗi' riêng của virus, vì xét nghiệm PCR (theo một nghiên cứu của Trung Quốc) chỉ tìm thấy 16.7% virus trên kết mạc của người bị COVID trong khi đó ở dịch tỵ hầu là 91,7%.
Bên cạnh biểu hiện kết mạc, bệnh nhân bị COVID có thể bị viêm kết giác mạc hay viêm thượng củng mạc cùng do một cơ chế là phản ứng miễn dịch và viêm không được kiểm soát.
2. Biểu hiện bệnh COVID-19 trên màng bồ đào
Các thụ thể ACE2 cũng có mặt ở màng bồ đào, là vị trí giải phẫu mà virus có thể xâm nhập. Sau giai đoạn đầu gây bệnh cho kết mạc, virus có thể gây viêm màng bồ đào, với các biểu hiện đa dạng:
- Giảm thị lực
- Tyndall tiền phòng
- Dính sau
- Viêm dịch kính
- Viêm gai thị
- Viêm võng mạc quanh gai thị
- Dịch dưới võng mạc.
3. Tổn thương ở võng mạc mắt do COVID-19
Khảo sát trên OCT (chụp cắt lớp võng mạc) của một số bệnh nhân COVID, người ta thấy có tăng phản xạ chứng tỏ có tổn thương lớp tế bào hạch võng mạc và lớp rối trong. Khám đáy mắt có thể xuất hiện các xuất tiết cục bông, các vi xuất huyết dọc các cung mạch máu gợi ý có thiểu máu võng mạc, xuất huyết dạng ngọn lửa và xuất huyết vùng hoàng điểm với xuất tiết cứng. Mặc dù có tất cả những tổn thương trên nhưng thị lực các bệnh nhân này không hề giảm sút. Có một báo cáo riêng lẻ về trường hợp nghi viêm hoại tử võng mạc do VZV, có lẽ là nhiễm trùng cơ hội trên bệnh nhân COVD-19 đã sử dụng thuốc ức chế miễn dịch.
Chụp OCT có thể phát hiện tổn thương võng mạc ở bệnh nhân COVID-19.
4. Tổn hại thần kinh nhãn khoa
Tổn hại thần kinh nhãn khoa trên bệnh nhân COVID được các tài liệu nhắc đến là liệt vận nhãn, song thị, liệt thần kinh sọ, mất thị lực đột ngột, tổn hại phản xạ đồng từ.
Hội chứng Miller Fisher (MFS) một dạng của hội chứng Guilain- Barre biểu hiện bằng tam chứng: liệt vận nhãn, mất điều hòa vận động, mất phản xạ cả hai bên được ghi nhận trên một bệnh nhân. Sau đó bệnh cảnh lui giảm nhờ tiêm huyết thanh miễn dịch.
Song thị (nhìn thấy 2 hình của cùng 1 vật) và liệt vận nhãn do liệt dây thần kinh sọ não cũng được ghi nhận trên bệnh nhân COVID. Trên phim MRI thì T2, thì cường tín hiệu thấy dây thần kinh vận nhãn sưng phồng. Giai đoạn muộn có thể thấy cơ thẳng ngoài teo mỏng. Các rối loạn trên phần lớn sẽ biến mất khi bệnh phục hồi hoàn toàn. Tình trạng song thị cá biệt còn có thể do nhược cơ sau nhiễm trùng, thấy kháng thể kháng thụ thể acetycholine xuất hiện sau nhiễm COVID 2 tháng, điều trị tốt bằng tiêm globuline miễn dịch và tĩnh mạch pyridostigmine. Giảm thị lực đột ngột hai bên còn có thể do viêm tủy - thần kinh thị giác nhưng nhanh chóng phục hồi nhờ điều trị metylprednisolon tĩnh mạch và uống giảm liều.
Giảm thị lực đột ngột còn phải truy cứu đến tình trạng tăng đông máu, vốn gây một loạt các hệ lụy trên toàn thân. Tại mắt có thể gây ra tắc mạch và huyết khối võng mạc. Tắc động mạch mắt, động mạch trung tâm võng mạc, thiếu máu võng mạc và thị thần kinh đều có thể gặp. Cao hơn nữa là tai biến mạch máu của thần kinh trung ương, tình trạng rối loạn đông máu có thể gây nhồi máu vỏ não thị giác tại thùy chẩm, gây mù đột ngột hai bên.
Hiện tượng đồng tử Adie cũng được ghi nhận lác đác trên bệnh nhân COVID-19.
5. Với hốc mắt
Mặc dù liên quan không rõ ràng nhưng một số bệnh lý hốc mắt cũng hay xảy ra trên bệnh nhân COVID. Lý do phức tạp nhưng có lẽ là do tình trạng bất động lâu ngày, yếu tố tăng nặng toàn thân, dùng các thuốc ức chế miễn dịch đã làm viêm tổ chức hốc mắt, hay xảy ra trên bệnh nhân trẻ.
Một loạt các ca nhiễm nấm miệng họng và hốc mắt đã được ghi nhận ở Ấn Độ, có lẽ do dùng quá nhiều kháng sinh và steroids, cơ địa đái tháo đường. Một khi đã nhiễm nấm hốc mắt khả năng phải nạo vét tổ chức hốc mắt là rất cao, tiên lượng sinh mạng cũng rất nặng nề. Vì vậy khi một bệnh nhân có đái tháo đường bị nhiễm COVID-19 cần theo dõi kỹ các biến chứng về hốc mắt như: phù mi, lồi mắt, hở giác mạc, giảm thị lực và vận nhãn.
Tóm lại, đại dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp và có thể lại xuất hiện thêm biến chủng mới. Với chuyên khoa mắt, hiểu biết về các tác động của COVID-19 đã có nhưng sẽ còn cần thêm các nghiên cứu tiếp theo.
TS.BS. Hoàng Cương
Bệnh viện Mắt trung ương