Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Thông, nguyên Trưởng bộ môn Dược lý, Trường Đại học Y Hà Nội: Thời tiết mùa hè nắng nóng, đặc biệt là độ ẩm trong không khí cao làm cho vi khuẩn như E.coli, Shigella, Salmonella, một số vi-rút hoặc một số tác nhân truyền bệnh như muỗi sinh sôi nảy nở.
Nắng nóng, bật quạt nhiều, bật điều hòa ở nhiệt độ thấp khiến không khí khô, niêm mạc hầu họng, mũi cũng khô, giảm chất nhầy có tác dụng bảo vệ chống lại vi khuẩn, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Các bệnh hay gặp do nguyên nhân này đáng kể nhất là bệnh về hô hấp: viêm mũi họng, viêm phổi, phế quản… Đặc biệt, trẻ có tiền sử hen phế quản rất dễ tái phát trong điều kiện này.
Thời tiết nắng nóng cũng tạo điều kiện cho một số loại vi-rút và muỗi phát triển nên trẻ hay bị muỗi đốt, có thể mắc các bệnh do vi-rút gây ra như sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, bệnh chân tay miệng...
Ngoài ra, thời tiết oi bức, nhiệt độ môi trường tăng cao khiến trẻ thường bị chứng rôm sảy gây ngứa ngáy rất khó chịu, hoặc trẻ có thể bị say nắng nếu chơi ở ngoài nắng nóng quá lâu, vì cơ thể trẻ bị mất nước và muối khoáng khá nhiều qua sự bài tiết mồ hôi trên da, qua hơi thở...
Dưới đây là cách phòng tránh một số bệnh điển hình trong mùa hè:
Bệnh viêm đường hô hấp trên:
Triệu chứng thường gặp ở trẻ là sổ mũi, ho, sốt, thở khò khè, đau họng; nặng hơn có thể gây áp xe thành họng, viêm họng do liên cầu… Khi trời nắng nóng, các bậc phụ huynh cần hạn chế hoặc không cho trẻ ra ngoài.
Không cho quạt xoáy thẳng vào trẻ khi trẻ đang chơi hoặc nằm ngủ. Không cho trẻ ở trong phòng máy lạnh có nhiệt độ chênh lệch quá lớn so với nhiệt độ môi trường bên ngoài. Tránh đưa trẻ đến chỗ đông người, khi ra đường cần đeo khẩu trang, mặc quần áo chống nắng nhưng phải thoáng mát.
Đặc biệt, cha mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước, ăn uống đủ chất, làm thông thoáng đường thở bằng cách làm sạch đờm nhớt ở vùng mũi họng của trẻ. Giúp trẻ giảm ho và đau họng bằng thuốc nam (mật ong, lá húng chanh, quất hấp). Nếu bệnh nặng hơn nên nhanh chóng đưa đến bệnh viện.
Bệnh tiêu chảy:
Là tình trạng đi ngoài phân lỏng có nước trên 3 lần/ngày. Tiêu chảy kéo dài dưới 14 ngày gọi là tiêu chảy cấp và từ 14 ngày trở lên gọi là tiêu chảy kéo dài. Nguyên nhân gây tiêu chảy ở trẻ em có thể do vi khuẩn hoặc do vi-rút.
Để phòng chống bệnh tiêu chảy, đối với trẻ sơ sinh cần nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn đến 4 - 6 tháng tuổi, chỉ ăn dặm sau 4 - 6 tháng tuổi nếu mẹ đủ sữa. Nên duy trì đủ thành phần dinh dưỡng bữa ăn cho trẻ như: glucid, protid, lipid, vitamin và muối khoáng. Cần bảo quản và chế biến thức ăn hợp lý, hợp với khẩu vị của trẻ, đảm bảo vệ sinh. Dùng nước sạch, dụng cụ đựng nước có nắp đậy. Nước sinh hoạt phải xa chuồng gia súc, hố xí, cống rãnh thoát nước; tránh dùng nước bị ô nhiễm. Nước uống phải được đun sôi; bình đựng có nắp; cốc, chén, thìa rửa sạch khô ráo.
Tất cả thành viên trong gia đình phải thực hiện rửa tay trước khi ăn, rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh hoặc dọn, rửa phân cho trẻ. Rửa tay trước khi chế biến thức ăn cho trẻ. Sử dụng nhà vệ sinh sạch sẽ, hợp vệ sinh. Xử lý phân, nước, rác an toàn; xa nguồn nước sử dụng. Thực hiện tiêm chủng đầy đủ cho trẻ theo khuyến cáo của chương trình tiêm chủng mở rộng.
Bệnh do nhiễm vi-rút:
Hiện có hơn 200 chủng vi-rút được phân lập nhưng hầu hết là vi-rút thông thường ít có hại cho trẻ, bệnh có thể tự khỏi trong 5 - 7 ngày nếu được theo dõi và chăm sóc tốt. Tuy nhiên, có một số vi-rút gây bệnh nguy hiểm cho trẻ như vi-rút sởi, rubella, viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết…
Sốt phát ban (do vi-rút gây ra): Thông thường trẻ sốt cao 39-40ºC, biếng ăn, quấy khóc, nằm li bì, thậm chí bị co giật. Ngoài ra, trẻ còn có dấu hiệu ho, sổ mũi, khi xuất hiện ban trên cơ thể thì trẻ sẽ giảm sốt. Đối với những trẻ sốt phát ban không sốt cao, việc nhận biết bệnh sẽ muộn hơn, vì vậy cha mẹ cần chú ý, không được chủ quan để tránh những biến chứng do bệnh gây ra.
Để phòng chống sốt phát ban, cần vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, nhỏ mắt, mũi bằng dung dịch tránh nhiễm khuẩn. Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng. Nên cho trẻ uống nhiều nước, ăn các loại trái cây giàu vitamin C, uống các loại nước ép hoa quả… Hạn chế tiếp xúc với những người bị bệnh bởi đây là bệnh rất dễ lây lan. Khi trẻ bị sốt cao cần đưa trẻ đến ngay trung tâm y tế để khám và điều trị kịp thời. Đặc biệt, nếu trẻ sốt phát ban có kèm theo triệu chứng đau đầu, nôn ói, co giật… nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời.
Bệnh viêm não Nhật Bản B:
Là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính ở hệ thần kinh trung ương do một loại vi-rút thuộc nhóm Arbovirus gây nên. Vi-rút được truyền sang người lành thông qua muỗi Culex đốt. Bệnh thường xảy ra vào mùa hè, phổ biến từ tháng 5 đến tháng 7. Bệnh có thể phát triển thành dịch.
Viêm não Nhật Bản B là bệnh nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa bằng cách tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản B đúng và đầy đủ. Vắc-xin viêm não Nhật Bản B được khuyến nghị tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên, tiêm mũi thứ hai sau mũi thứ nhất 1 tuần và tiêm mũi thứ 3 sau một năm, có thể tiêm nhắc lại sau 3-4 năm cho đến 15 tuổi.
Bên cạnh đó, việc chủ động phòng tránh muỗi đốt như diệt muỗi, ngủ mắc màn... là biện pháp tích cực để phòng bệnh.
Bệnh ngoài da
Rôm sảy là bệnh ngoài da rất thường gặp vào mùa hè, trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Biểu hiện là những mụn nước nhỏ li ti xuất hiện ở những vùng mồ hôi tiết ra nhiều như: trán, cổ, ngực, lưng...
Đa số trẻ chỉ bị rôm sảy khi nóng, còn khi thời tiết mát mẻ, rôm tự lặn hết không gây tác hại gì. Để phòng bệnh cho trẻ, trong những ngày nắng nóng, cha mẹ cần chú ý tắm rửa cho trẻ sạch sẽ, lau khô da sau đó rắc một lớp phấn rôm thật mỏng, cho trẻ mặc quần áo rộng, thoáng mát, uống nhiều nước, ăn thức ăn mát.
Một khi trẻ bị rôm sẩy nặng thì cha mẹ không nên rắc phấn rôm nữa mà đưa trẻ đi khám để được tư vấn, điều trị phù hợp. Đồng thời, hạn chế để bé không gãi làm trầy xước da, dễ gây nhiễm trùng./.