BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG SỐT XUẤT HUYẾT
Muốn phòng bệnh SXHD có hiệu quả ngành y tế cần thiết tuyên truyền rộng rãi cho toàn dân biết tác hại của bệnh, nguyên nhân làm bệnh lây lan. Vì vậy, cần thông báo rộng rãi đến tận các tổ dân phố, các hộ gia đình, các trường học, các cơ quan đóng trên địa bàn các biện pháp phòng bệnh SXHD. Nếu có điều kiện cần phát tờ rơi cho mọi người, đặc biệt là các trường học, chợ, cơ quan, nơi đông dân qua lại để nhiều người biết càng tốt. Cần tập trung diệt muỗi và bọ gậy bằng mọi biện pháp từ dân gian đến các chất hóa học, đặc biệt ở các địa phương đang có SXHD xẩy ra.
Đối với diệt muỗi, ngoài các biện pháp dân gian như xua, bẫy, vợt, dùng hương muỗi… để bắt, diệt muỗi, phun hóa chất diệt muỗi là một biện pháp rất có hữu hiệu. Để có hiệu quả cao về biện pháp phun hóa chất diệt muỗi, cần làm thế nào để mọi người dân trong từng gia đình, tổ dân phố, xóm, làng, thôn, bản hưởng ứng, ủng hộ và cùng tham gia tích cực như hiện nay toàn dân đang phòng chống dịch Covid-19, nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho cán bộ y tế địa phương thực thi nhiệm vụ. Bởi vì, phun thuốc diệt muỗi để đạt hiệu quả diệt muỗi tốt nhất là không để một gia đình nào không được phun; trong mỗi gia đình không để phòng nào, vị trí nào không được phun thuốc. Có làm được như vậy thì muỗi không còn chỗ để trốn tránh và sẽ bị tiêu diệt ngay tức khắc.
Để tránh muỗi đốt, phải nằm màn (cả lúc ngủ ban ngày lẫn ban đêm). Ở công sở, trường học, mọi người tránh muỗi đốt nên đi dày, có bít tất và mặc quần dài ống để tránh hở da vùng chân. Để tiêu diệt bọ gây (loăng quăng) cần phải thau rửa chum, vại, lu, các vật dụng dùng đựng nước sinh hoạt và phải có nắp nậy kín để không cho muỗi vào đẻ trứng. Nếu gia đình, công sở, trường học có dùng lọ cắm hoa, cần thay nước hàng ngày. Đối với các dụng cụ chứa nước sinh hoạt, ngoài nắp đậy, có thể nuôi các loài cá có khả năng ăn được nhiều bọ gậy. Ngoài ra, cần vệ sinh môi trường tốt và khơi thông cống rảnh, ao, hồ…để tiêu diệt trứng muỗi và bọ gậy.
Đặc điểm của SXH có đặc trưng là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương dẫn tới sốc do cô đặc máu, tụt huyết áp bởi giảm thể tích tuần hoàn và rối loạn đông máu thứ phát sau sốc kéo dài; nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời rất có thể dẫn đến tử vong.