Bệnh bạch hầu thanh quản có tỷ lệ tử vong 5-17% đối với những người chưa tiêm vắc-xin - cao hơn cả tỷ lệ tử vong do Covid-19. Kể cả những người bạch hầu được chăm sóc và điều trị đầy đủ vẫn có nguy cơ tử vong. Đối tượng nhiễm bệnh chính là trẻ em dưới 15 tuổi. Một số chủng của vi khuẩn bạch hầu chiết độc tố cản trở tế bào sản xuất protein, phá hủy các mô ở khu vực lây nhiễm và hình thành các màng giả ở khí quản. Độc tố được vận chuyển theo mạch máu và phân phối đến các mô trong cơ thể, gây tổn thương dây thần kinh, viêm cơ tim, giảm tiểu cầu và tạo protein trong nước tiểu.
Trong lịch sử, thế giới từng ghi nhận nhiều đợt bùng phát dịch bạch hầu nghiêm trọng. Năm 1921, tại Mỹ có hơn 200.000 người nhiễm bạch hầu khiến 15.500 người tử vong. Năm 1943, dịch bạch hầu bùng phát tại châu Âu với khoảng 1 triệu ca nhiễm và 50.000 người tử vong. Gần đây nhất, năm 1990, bạch hầu bùng phát tại Nga khiến hơn 80.000 người nhiễm và 2.000 người tử vong.
Hiện nay, đã có thuốc để điều trị bệnh bạch hầu. Tuy nhiên, trong giai đoạn tiến triển, bệnh bạch hầu có thể gây hại cho tim, thận và hệ thần kinh của người bệnh. Ngay cả khi được điều trị, bệnh bạch hầu vẫn có thể gây tử vong với tỷ lệ 3%, tỷ lệ này còn cao hơn ở trẻ em dưới 15 tuổi.
Phương pháp phòng bệnh bạch hầu hiệu quả nhất là tiêm vắc-xin phòng bệnh.