1. Đảm bảo bù đủ nước và cung cấp chất bổ dưỡng cho trẻ.
Để trẻ khỏe mạnh, không mất nước trong mùa nóng cần chú ý chăm sóc đặc biệt hơn, trong đó chú trọng tăng cường cho trẻ uống nước, không chỉ nước lọc mà cần tăng cường các loại nước uống giàu khoáng chất và nhiều vitamin như nước ép trái cây, nước cam tươi, nước dừa tươi, nước rau má, nước mía… giúp cơ thể trẻ luôn luôn mát mẻ và có sức đề kháng tốt, nhằm chống chọi với bệnh tật.
Ngoài ra, cần cho trẻ ăn các món canh bổ dưỡng, thanh nhiệt cung cấp đủ lượng nước cho cơ thể, vừa giúp trẻ ăn uống dễ dàng thuận lợi hơn, để cơ thể trẻ luôn được cung cấp đầy đủ chất bổ dưỡng, đây chính là yếu tố quan trọng giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
2. Làm mát cho trẻ đúng cách
Để làm mát chống mất nước mùa hè, nếu trẻ chạy đùa thì cha mẹ nên lau người bằng nước mát hoặc khăn mềm cho trẻ. Lưu ý không lau nước lạnh quá, việc lau người cho trẻ thường xuyên sẽ giúp mồ hôi không ra nhiều, làm giảm tình trạng mất nước.
Ngoài ra, có thể tắm cho trẻ vì việc tắm rửa thường xuyên rất quan trọng, đặc biệt vào những ngày nóng bức. Tắm sẽ giúp loại bỏ mồ hôi và vi khuẩn trên da trẻ, cho trẻ cảm giác mát mẻ, thoải mái. Tuy nhiên, dù là mùa hè cha mẹ cũng không nên tắm cho trẻ bằng nước lạnh, cần pha một chút nước ấm để nhiệt độ cơ thể trẻ và nước không quá chênh lệch. Cha mẹ cần cẩn trọng khi sử dụng các loại kem làm mát da chống nóng với trẻ, bởi vì da của trẻ rất nhạy cảm.
3. Mặc quần áo thoáng mát
Các loại vải thoáng mát, mềm được làm từ chất liệu sợi tự nhiên sẽ giúp thấm mồ hôi và ngăn ngừa nổi ban. Đặc biệt, đối với trẻ sơ sinh, vào mùa hè không nên quấn, ủ kỹ quá sẽ khiến trẻ nóng bức, khó chịu. Ngoài ra, nên hạn chế đóng bỉm, tã cho trẻ trong những ngày nắng nóng.
4. Cho trẻ vận động, chơi đùa hợp lý
Để tránh mất nước không để trẻ chơi, vận động ngoài trời khi nắng nóng. Hạn chế ra ngoài trời từ 10h sáng tới 15h chiều, thời điểm nắng nóng nhất trong ngày.
Trên thực tế, trong những ngày nắng nóng, trẻ vẫn nên vận động thể lực để giúp phát triển hệ cơ xương, tăng cường sức khỏe chung (trong đó có sức đề kháng). Tuy nhiên, vận động thể lực trong thời tiết nắng nóng có thể làm tăng nguy cơ bị các vấn đề sức khỏe do nhiệt vận động thể lực tạo ra nhiệt lượng trong cơ thể.
Vì vậy, không vận động ở cường độ cao (như đá bóng ngoài trời nắng nóng), vận động theo hướng tăng dần cường độ theo ngày, để đảm bảo cơ thể thích nghi dần với thời tiết nắng nóng.
Chỉ đưa trẻ đi chơi khi trời mát, tận dụng những nơi có bóng mát và bóng râm để che nắng cho trẻ.
Trường hợp buộc phải đưa trẻ ra ngoài cần cho trẻ sử dụng áo khoác chống nắng, kính râm, mũ rộng vành hay ô (dù) để có thể chống nắng nóng cho trẻ một cách tốt nhất để phòng nắng nóng, mất nước.
5. Chú ý phòng bệnh cho trẻ trong mùa nóng
Thời tiết nắng nóng rất dễ nhiễm các bệnh về tay chân miệng, sởi, quai bị… đặc biệt đối với trẻ em ở lứa tuổi cấp 1 và cấp 2, để bảo vệ sức khỏe trong mùa nắng nóng, cha mẹ cần chú ý kiểm tra lịch tiêm ngừa phòng bệnh cho trẻ. Tốt nhất, sau 3 - 5 năm, chúng ta nên tiêm phòng nhắc lại cho trẻ để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm trong mùa nắng nóng.
Khi ra khỏi nhà cần đội mũ, nón hoặc mặc áo chống nắng để phòng mất nước say nắng. Tốt nhất không cho trẻ tắm sông, biển, ao hồ, sông suối lúc nắng gắt, nhất là buổi trưa, xế chiều. Không dùng quạt gió với tốc độ lớn, xoáy vào người, mỗi lần đi ngoài nắng về, không nên vào phòng máy lạnh ngay.
Sàn nhà, dụng cụ ăn uống, đồ chơi của trẻ cần được vệ sinh sạch sẽ hàng ngày. Vệ sinh tay trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh bằng hình thức rửa tay sạch bằng xà phòng thích hợp. Ngủ cần nằm màn để tránh muỗi đốt. Cần diệt muỗi, gián, chuột, bọ chét để tránh mắc các bệnh do chúng truyền từ người bệnh sang người lành.
Ăn uống hợp vệ sinh, ăn chín, uống chín. Với trẻ em lớn, cần tập thể dục đều đặn bằng các bài tập thể dục buổi sáng.