1. Giá trị dinh dưỡng của lá bạc
Lá bạc hà chứa nhiều chất chống oxy hóa và chất dinh dưỡng thực vật, đồng thời chứa vitamin A, vitamin C, phức hợp B, phốt pho, canxi, đặc biệt có đặc tính chống vi khuẩn. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng dầu làm từ lá bạc hà có thể rất hiệu quả. Trên thực tế, nó có tác dụng chống lại 22 chủng vi khuẩn và 11 chủng nấm.
Lá bạc hà còn giàu chất sắt, kali, mangan giúp cải thiện nồng độ huyết sắc tố và thúc đẩy chức năng não. Lá bạc hà có lượng calo thấp, chứa một lượng protein và chất béo tối thiểu. Hai thìa bạc hà chứa 0,4 g protein, 0,9 g carbohydrate, 0,8 g chất xơ, 1,5 mg vitamin C, 22,4 mg canxi, 6,8 mg phốt pho và 51,5 mg kali cùng một số chất dinh dưỡng khác.
2. Lợi ích sức khỏe của lá bạc hà
Khoa học đã chứng minh bạc hà có rất nhiều lợi ích sức khỏe cho cơ thể. TS. Nguyễn Đức Quang – nguyên Chủ nhiệm khoa Nghiên cứu thực nghiệm Viện Y học cổ truyền quân đội cho biết có nhiều bài thuốc trị bệnh có bạc hà và thực đơn hỗ trợ trị bệnh có bạc hà.
Dưới đây là một số cách tốt nhất mà bạn có thể sử dụng bạc hà để giúp cơ thể khỏe mạnh:
Điều trị chứng khó tiêu
Lá bạc hà giúp thúc đẩy hệ thống tiêu hóa bằng cách kích thích các enzyme tiêu hóa. Dầu bạc hà có đặc tính sát trùng và kháng khuẩn để giảm chứng khó tiêu, nhiễm trùng dạ dày, nó hoạt động như một phương thuốc chống co thắt do có chứa metanol.
Ngoài ra, trong các nghiên cứu được thực hiện trên chuột, lá bạc hà đã cho thấy kết quả đầy hứa hẹn trong việc chống lại các khối u.
Giảm hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích là một rối loạn phổ biến của hệ tiêu hóa. Nó có thể gây đau dạ dày, táo bón, tiêu chảy, đầy hơi và khó tiêu. Phương pháp điều trị chính và quan trọng đối với hội chứng ruột kích thích là thay đổi chế độ ăn uống nhưng một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng dầu bạc hà có thể hữu ích. Dầu bạc hà có chứa một hợp chất gọi là tinh dầu bạc hà, có tác dụng thư giãn các cơ của đường tiêu hóa.
Cải thiện hô hấp
Lá bạc hà được khuyên dùng cho bệnh nhân hen suyễn vì nó có tác dụng như một chất thư giãn tốt và làm giảm tắc nghẽn ngực. Tiêu thụ lá bạc hà hàng ngày có thể mang lại tác dụng làm dịu cho bệnh nhân hen suyễn.
Bạc hà được biết đến có tác dụng làm thông mũi, tinh dầu bạc hà có thể giúp thở dễ dàng hơn rất nhiều. Nó cũng làm giảm sự kích ứng do ho mạn tính.
Một nghiên cứu lâm sàng trên chuột được thực hiện vào năm 2019 đã chứng minh rằng các hợp chất trong bạc hà thực sự hiệu quả trong việc điều trị các triệu chứng hen suyễn. Nghiên cứu này cho thấy bạc hà cũng có thể có tác dụng tương tự đối với con người. Do đó, tiêu thụ bạc hà giúp giảm bớt các triệu chứng hen suyễn ở một mức độ nào đó.
Chăm sóc răng miệng
Nhai lá bạc hà sau bữa ăn giúp hơi thở thơm mát do có đặc tính diệt khuẩn. Chiết xuất lá bạc hà có thể giúp làm sạch mảng bám trên răng. Kem đánh răng, nước súc miệng hoặc kẹo cao su có chứa tinh dầu bạc hà ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn trong miệng và giữ cho khoang miệng sạch sẽ.
Có tác dụng bổ não
Lá bạc hà có tác dụng bổ não. Theo nhiều nghiên cứu khác nhau, tiêu thụ bạc hà có thể làm tăng sự tỉnh táo và chức năng nhận thức. Lá bạc hà cải thiện sức mạnh trí nhớ và sự tỉnh táo về tinh thần.
Tăng cường khả năng miễn dịch
Bạc hà chứa đầy vitamin và chất chống oxy hóa để cải thiện khả năng miễn dịch. Những vitamin có nguồn gốc thực vật này giúp bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại. Ngoài ra, lá bạc hà còn góp phần ngăn chặn sự hình thành khối u bằng cách ức chế một số enzyme.
Giảm căng thẳng và trầm cảm
Bạc hà là một phần thiết yếu của liệu pháp mùi hương. Mùi hương mạnh mẽ và sảng khoái từ bạc hà giúp giảm căng thẳng. Bằng cách hít thở hương thơm của bạc hà, tâm trí sẽ được bình tĩnh hơn.
Bạn có thể thêm bạc hà vào trà, sử dụng chiết xuất bạc hà trên máy xông hơi hoặc tắm bạc hà để giảm căng thẳng và trầm cảm.
Giúp giảm đau khi cho con bú
Nhiều bà mẹ cho con bú thường bị đau, nứt núm vú, khiến việc cho con bú trở nên đau đớn và khó khăn. Bằng chứng tiết lộ rằng bôi tinh dầu bạc hà có giá trị trong việc giảm đau, chữa lành vết đau và nứt núm vú.
Tinh dầu bạc hà còn giúp giảm đau bụng kinh ở phụ nữ.
Chăm sóc da
Bạc hà là một loại thuốc cổ xưa để điều trị các vấn đề liên quan đến da như mụn trứng cá, sẹo. Đặc tính kháng khuẩn, kháng nấm và chống viêm mạnh mẽ của lá bạc hà có hiệu quả trong việc điều trị mụn trứng cá và làm giảm tình trạng viêm, đỏ do mụn bùng phát.
Lá bạc hà chứa hàm lượng acid salicylic cao và vitamin A có tác dụng kiểm soát sự tiết dầu nhờn trên da và giúp chữa mụn trứng cá.
Chiết xuất lá bạc hà rất hữu ích để điều trị và ngăn ngừa mụn trứng cá. Sự phong phú của tinh dầu bạc hà và chất chống oxy hóa tự nhiên trong lá bạc hà được sử dụng như một chất tẩy rửa, toner, chất làm se và dưỡng ẩm tuyệt vời cho da. Lá bạc hà làm săn chắc da, làm mềm da khô và ngứa.
Tốt cho quá trình giảm cân
Lá bạc hà đóng một vai trò thiết yếu trong việc giảm cân một cách lành mạnh. Lá bạc hà thúc đẩy quá trình tiêu hóa và tăng cường trao đổi chất để giúp giảm cân. Trà bạc hà là một loại đồ uống giải khát không chứa calo tuyệt vời để thúc đẩy quá trình giảm cân.
Thúc đẩy sự phát triển của tóc
Chiết xuất lá bạc hà là nguồn cung cấp carotene và chất chống oxy hóa tuyệt vời giúp thúc đẩy sự phát triển của tóc, ngăn ngừa rụng tóc. Đặc tính kháng khuẩn và kháng nấm mạnh của lá bạc hà có tác dụng trị gàu, chấy…
Bạn có thể thoa hỗn hợp lá bạc hà trộn với nước cốt chanh lên da đầu và để yên trong 30-40 phút rồi xả sạch tóc.
Giúp giảm bớt cơn ốm nghén
Bạc hà là một phương thuốc tuyệt vời để điều trị chứng buồn nôn. Nó cũng có hiệu quả để điều trị chứng buồn nôn xảy ra khi ốm nghén.
Giúp giảm dị ứng
Nghiên cứu được thực hiện vào năm 2019 đã chứng minh rằng bạc hà chứa 53 hợp chất riêng biệt có đặc tính chống dị ứng. Điều này có nghĩa là tiêu thụ bạc hà ở một mức độ nào đó có thể giúp ích trong việc điều trị các loại dị ứng khác nhau.
Tuy lá bạc hà nhìn chung an toàn khi sử dụng nhưng những người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản nên hạn chế tiêu thụ vì nó có thể gây kích ứng dạ dày. Dầu bạc hà chống chỉ định cho trẻ em sử dụng tại chỗ vì nó có thể gây khó thở. Không nên lạm dụng dù đó là thảo dược.