Ngày nay, bên cạnh việc chú trọng đến thể chất, trí tuệ thì kỹ năng sống cũng là một yếu tố được nhiều gia đình quan tâm cho trẻ. Việc giáo dục kỹ năng sống sớm sẽ giúp trẻ dễ dàng hòa nhập, thích nghi nhanh với môi trường mới mà không phụ thuộc nhiều vào người thân. Vậy kỹ năng sống là gì? Tầm quan trọng của việc trang bị kĩ năng sống cho trẻ? Nên dạy trẻ kỹ năng sống gì ở độ tuổi mầm non?
1. Thế nào là kỹ năng sống?
Kỹ năng sống ở trẻ thường được lý giải là những kĩ năng, hành vi tích cực hỗ trợ trẻ dễ dàng thích nghi với những nhu cầu, thử thách trong môi trường sống. Kỹ năng sống thường được hình thành và củng cố dựa trên những trải nghiệm và bài học trong cuộc sống. Vậy ở độ tuổi mầm non, trẻ cần thiết được giáo dục kỹ năng sống chưa? Thực tế, nhiều phụ huynh đã bắt đầu dạy trẻ kỹ năng sống cơ bản trước khi bắt đầu đi học nhằm giúp trẻ tự tin và dễ dàng tự lập ở môi trường mới.
Giải đáp thắc mắc kỹ năng sống là gì?
Những kỹ năng sống cần trang bị cho trẻ ở độ tuổi mầm non gồm kỹ năng tự lập, kỹ năng giao tiếp - ứng xử, kỹ năng xử lý tình huống,… Phần lớn những đứa trẻ được trang bị kỹ năng sống từ sớm thường khá tự tin giao tiếp, dễ dàng hòa nhập với bạn bè, môi trường sống mới. Kỹ năng sống cũng được xem là nền tảng cơ bản giúp trẻ hình thành những thói quen tích cực, xây dựng tính cách tốt, kích thích khả năng tư duy ở trẻ, hướng đến việc rèn luyện cả thể chất lẫn tinh thần, trí tuệ. Do đó, việc giáo dục kỹ năng sống sớm cho trẻ có ý nghĩa rất quan trọng.
2. Một số kỹ năng sống cần trang bị cho trẻ
Những năm gần đây, các chương trình giáo dục ngày càng quan tâm nhiều hơn đến kỹ năng sống của trẻ ở mọi lứa tuổi. Đối với trẻ mầm non, những kỹ năng sống cơ bản được xem là tiền đề giúp trẻ bước đầu tự lập, hình thành những bản năng sinh tồn, thích ứng với môi trường sống bên ngoài. Vậy nên dạy trẻ kỹ năng sống nào ở độ tuổi mầm non? Để giúp ba mẹ dễ dàng giáo dục kỹ năng sống sớm cho trẻ, sau đây là chia sẻ cụ thể nhất:
Dạy trẻ kỹ năng sống ngay từ khi còn bé
2.1. Kỹ năng tự chăm sóc bản thân
Ở độ tuổi mầm non, phần lớn mọi sinh hoạt của trẻ đều do người thân chăm sóc. Tuy nhiên, phụ huynh nên rèn luyện cho trẻ tính tự lập, tự chăm sóc bản thân thông qua một số hoạt động nằm trong khả năng của trẻ. Điều này không chỉ giúp trẻ học được tính có trách nhiệm với bản thân mà còn hạn chế tính phụ thuộc vào người khác cho trẻ. Nhờ đó, trẻ sẽ hiểu được trẻ phải làm chủ cuộc đời của mình và ba mẹ chỉ là người hướng dẫn và hỗ trợ cho trẻ khi cần thiết.
Một số kỹ năng tự chăm sóc bản thân cần tập luyện cho trẻ gồm có kỹ năng tự đánh răng, tự ăn, tự vệ sinh cá nhân,... Đây là những kỹ năng cơ bản cần trang bị sớm cho trẻ nhằm giúp trẻ tự lập sớm, không ỷ lại người lớn và ba mẹ cũng cảm thấy yên tâm hơn khi con bắt đầu đi học. Hầu hết những trẻ được ba mẹ tập luyện những kỹ năng chăm sóc bản thân sớm thường dễ dàng thích nghi với những hoạt động, nếp sống ở trường khi đi học.
2.2. Kỹ năng sắp xếp đồ đạc
Nhiều phụ huynh thường chủ động dọn dẹp mọi đồ dùng của con, kể cả đồ chơi, giày dép của trẻ. Tuy nhiên, ba mẹ nên chia sẻ những công việc này với con nhằm giúp trẻ hình thành kỹ năng sắp xếp đồ đạc, xây dựng tính ngăn nắp. Để dạy trẻ kỹ năng sống này, ba mẹ có thể bắt đầu từ những việc đơn giản như tập cho trẻ cất đồ chơi đúng vị trí sau khi chơi xong, cất giày dép đúng chỗ sau khi mang. Với những bé lớn hơn, ba mẹ có thể hướng dẫn trẻ sắp xếp và cất quần áo đúng vị trí.
Dạy trẻ kỹ năng sắp xếp đồ đạc ngăn nắp
Tuy nhiên, ba mẹ không nên dạy con với hình thức áp đặt, thay vào đó phụ huynh nên đồng hành, hỗ trợ, khuyến khích trẻ. Điều này sẽ tạo cho trẻ cảm giác hứng thú, cảm thấy bản thân có thể làm tốt, thúc đẩy khả năng tự lập ở trẻ.
2.3. Kỹ năng giao tiếp - ứng xử
Kỹ năng giao tiếp - ứng xử được xem là một trong số kỹ năng rất quan trọng đối với mỗi người, kể cả trẻ em và người lớn. Việc dạy trẻ kỹ năng sống này ngay từ khi còn bé sẽ giúp trẻ tự tin hơn, hòa nhập tốt với mọi người khi đến một môi trường khác. Ngoài ra, kỹ năng này còn hỗ trợ trẻ dễ dàng bộc lộ suy nghĩ của bản thân hoặc tiếp nhận những ý kiến từ người khác.
Trong cuộc sống, giao tiếp được xem là phương thức để con người tồn tại và phát triển. Do đó, ba mẹ nên tạo cơ hội cho trẻ được giao tiếp, tương tác nhiều hơn trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Thông qua hoạt động giao tiếp, trẻ sẽ được tiếp thu nhiều kiến thức mới, trải nghiệm mới, giao lưu, kết nối với nhiều bạn bè, mở rộng tầm hiểu biết.
2.4. Kỹ năng đồng cảm
Khi trẻ biết lắng nghe, thông cảm, sẻ chia với mọi người xung quanh sẽ giúp trẻ hình thành những đức tính tốt, xây dựng nhân cách tốt. Kỹ năng đồng cảm được xem là nền tảng giúp con người mở rộng tấm lòng, biết giúp đỡ mọi người xung quanh. Chẳng hạn như dạy trẻ san sẻ công việc trong gia đình cùng ba mẹ bằng cách khuyến khích trẻ cùng làm việc nhà. Hoặc trong đời sống xã hội, ba mẹ dạy trẻ thấu cảm trước hoàn cảnh khó khăn của người khác, giúp trẻ nhận ra giá trị của tình yêu thương.
Dạy trẻ biết đồng cảm sẻ chia với mọi người