Các trạm y tế lưu động với hai lực lượng chính là nhân viên y tế và tình nguyện viên đang được vận hành một cách nhịp nhàng và hiệu quả. Khoảng 1h30 một đêm lạnh, tiếng chuông điện thoại reo liên hồi. "Alô, trạm y tế lưu động phường Gia Thụy xin nghe!". Ở đầu dây bên kia, tiếng người thân của một bệnh nhân nhiễm COVID-19 gấp gáp. Chỉ nghe được những ý rời rạc: "Không thở được, co giật dữ lắm, phải làm sao…". Ở đầu dây bên này, đ/c Luyến – NV y tế hỗ trợ trạm y tế lưu động vừa trấn an người thân bệnh nhân vừa hướng dẫn các bước sơ cứu tạm thời và nhanh chóng liên hệ bác sĩ. Hai tình nguyện viên khác nhanh chóng vác bình oxy rẽ màn đêm lao đến nhà F0 - nơi một F0 đang tranh giành từng nhịp thở với con virus vô hình. Rất nhanh chóng, các tình nguyện viên đã cấp cứu ban đầu cho người bệnh, sau đó dẫn đường cho bác sĩ đến hỗ trợ và liên hệ xe cấp cứu đưa bệnh nhân vào bệnh viện. Nhờ được cấp cứu kịp thời mà bệnh nhân đã ổn định và hiện đang dần bình phục. Những cuộc gọi lúc 1h - 2h sáng cũng dần quen. Không ít lần các đoàn viên phải trực, chăm sóc bệnh nhân cho đến khi xe cấp cứu đến. Họ không quản ngại khó khăn, không sợ lây nhiễm mà ý thức của họ lúc đó là giúp đỡ họ giành lại sự sống. Hiện mỗi phường, xã đều có những trạm y tế lưu động để hỗ trợ điều trị F0 tại nhà. Ở phường Gia Thụy, trường mầm non Gia Thụy được làm "nơi trực chiến". Trạm có một phòng dành riêng để các vật dụng y tế, bình oxy. Bên cạnh là những chiếc bàn với máy tính để nhập liệu và những chiếc điện thoại bàn kết nối đường dây nóng. Một góc khác đặt hai chiếc giường xếp để ca trực đêm các tình nguyện viên thay phiên nhau chợp mắt. Cùng với lực lượng y tế, các đoàn viên phân chia nhau trực điện thoại, nhập dữ liệu danh sách F0, cấp giấy chứng nhận đã khỏi bệnh và sẵn sàng hỗ trợ khi người bệnh cần… Ban ngày hay ban đêm đều có nhân viên y tế và các đoàn viên túc trực, khi có tình huống cần can thiệp chuyên môn thì mới gọi các bác sĩ. Có thể thấy phong trào thanh niên "2 sẵn sàng" vẫn còn nguyên giá trị của nó. Bất kỳ nơi nào cần thì lực lượng đầu tiên vẫn là thanh niên xung kích, tham gia các công việc mà cấp ủy, chính quyền địa phương yêu cầu. Các đoàn viên ấy – các “chiến sĩ áo xanh” ấy không nề hà giờ giấc, công việc để hỗ trợ lúc dân cần. Họ vẫn luôn ghi nhớ khẩu hiệu “ Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”.
Dưới đây là một số hình ảnh: