Khi tiêm mũi 3, vật liệu vaccine giúp cơ thể xây dựng bộ nhớ tế bào B để nhận biết mầm bệnh tốt hơn và tăng cường tế bào T để hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả.
Bác sĩ Bùi Thị Yến Nhi (Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM cơ sở 3) cho biết cơ thể khi tiếp xúc với vi khuẩn hoặc virus gây bệnh, hay thông qua tiêm ngừa sẽ kích hoạt hệ miễn dịch để tạo ra các kháng thể bảo vệ dưới hình thức miễn dịch chủ động. Kháng thể sinh ra sau khi tiêm vaccine suy giảm theo thời gian, do đó việc tiêm nhắc lại nhằm tăng mức độ phản ứng miễn dịch.
"Vaccine tăng cường đánh lừa hệ thống miễn dịch khiến nó nghĩ rằng đó là mầm bệnh tiếp tục xâm nhập vào cơ thể, do đó các tế bào sản xuất kháng thể và các tế bào miễn dịch. Số lượng và chất lượng của các kháng thể được tạo ra có thể tăng lên. Từ đó hệ thống miễn dịch của chúng ta trưởng thành, làm tốt hơn công việc nhận biết mầm bệnh và tạo ra các đáp ứng miễn dịch chặt chẽ hơn", bác sĩ Nhi cho hay.
Khi tiêm vaccine, vật liệu vaccine chủ yếu sẽ tác động đến các tế bào B và T, kích hoạt một loạt đáp ứng miễn dịch. Vaccine AstraZeneca và Pfizer cung cấp thông tin di truyền mã hóa cho protein đột biến nCoV đến các tế bào của cơ thể, cho phép chúng sản xuất ra các loại protein đặc biệt để trung hòa hoặc tiêu diệt độc tố và các sinh vật mang mầm bệnh.
Theo bác sĩ, việc sản xuất protein bởi các tế bào trong cơ thể tạo ra phản ứng miễn dịch liên quan đến các kháng thể và tế bào T. Tế bào B chịu trách nhiệm chính trong việc sản xuất kháng thể. Kháng thể chỉ là một phần của hệ thống miễn dịch được huấn luyện bởi khả năng miễn dịch tự nhiên (khỏi sau nhiễm) hoặc do việc tiêm ngừa vaccine. Tuy nhiên khi chức năng này suy yếu, chúng vẫn giữ được ký ức về cách tạo ra các kháng thể trong trường hợp gặp phải mầm bệnh tương tự trong tương lai.
Giống như các vaccine khác, sau khoảng 4-6 tháng kháng thể sinh ra từ hai liều vaccine cơ bản bị suy giảm. Mức độ kháng thể tăng sau khi tiêm vaccine giúp bệnh nhẹ hơn, rút ngắn thời gian nhiễm, ngăn ngừa nhiễm trùng nặng và tử vong. Một số nghiên cứu cho thấy tiêm nhắc lại vaccin mRNA (Pfizer hoặc Moderna) làm tăng lượng kháng thể lên khoảng 10 lần.
Một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, được công bố trên Lancet tháng 12/202, đánh giá mức độ an toàn và đáp ứng miễn dịch được tạo ra bởi mũi vaccine tăng cường đồng loại và khác loại, ở những người đã nhận được hai liều ban đầu của vaccine AstraZeneca hoặc Pfizer. Nghiên cứu cho thấy tiêm đồng hay khác loại tăng cường đều có hiệu quả trong việc tăng cường phản ứng niễn dịch ở 28 ngày sau tiêm và các tác dụng phụ dung nạp tốt. Cũng giống như mũi thứ hai, khả năng miễn dịch của cơ thể sẽ đạt mức cao nhất sau hai tuần sau khi tiêm.
Các kháng thể trung hòa (kháng thể liên kết virus để phá vỡ khả năng lây nhiễm tế bào người) do tế bào B sản xuất, theo một số nghiên cứu cho thấy mức độ kháng thể trung hòa có xu hướng dự đoán mức độ bảo vệ chống lại sự lây nhiễm nCoV.
"Việc tiêm ngừa giúp tạo ra các tế bào miễn dịch trí nhớ vẫn tồn tại bất chấp sự suy giảm các kháng thể trung hòa. Các tế bào bộ nhớ này tạo thành tuyến phòng thủ thứ hai và ngăn ngừa bệnh nặng sau khi nhiễm, nhưng chúng không hiệu quả 100% trong việc ngăn chặn nhiễm và lây truyền virus", bác sĩ Nhi chia sẻ.
Như vậy, mũi tăng cường giúp tăng lượng kháng thể, bảo vệ trước các biến chủng thay đổi liên tục của virus, rất cần thiết đối với nhóm nguy cơ cao như người già, có bệnh nền, suy giảm miễn dịch. Hệ miễn dịch yếu có thể không phản ứng mạnh với vaccine, do đó có thể không tạo đủ kháng thể để chống lại nhiễm trùng và bệnh nghiêm trọng do Covid-19. Vì vậy cần phải tiêm để xây dựng bộ nhớ tế bào B và tăng cường tế bào T cho hệ miễn dịch.
Nhân viên y tế tiêm vaccine Vero Cell cho người dân phường Phú Hữu, TP Thủ Đức, ngày 15/8. Ảnh:Thành Nguyễn