Tôi đang theo dõi chuyển phôi (thụ tinh trong ống nghiệm) thì mắc Covid-19. Hiện tôi rất mệt, khó thở, sốt cao, có nên dùng thuốc kháng virus molnupiravir không? (Mai Anh, 38 tuổi, Hà Nội)
Trả lời:
F0 đang điều trị tại nhà không triệu chứng hoặc dấu hiệu nhẹ chỉ cần dùng uống thuốc hạ sốt, giảm đau thông thường. Người có nguy cơ cao mới cần các loại thuốc điều trị như thuốc kháng virus hoặc thuốc kháng đông và phải có hướng dẫn của nhân viên y tế.
Do đó bệnh nhân Covid-19 cần tuân theo tư vấn, chỉ định cụ thể của bác sĩ khi dùng thuốc, kể cả người đang điều trị hiếm muộn. Tùy từng giai đoạn, bệnh nhân sẽ được điều trị theo các phương án khác nhau, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc theo đơn của người khác hay theo toa thuốc tràn lan trên mạng.
Sau một tháng, bạn có thể tiếp tục thăm khám vào ngày thứ hai khi thấy kinh. Lúc này, bác sĩ sẽ tư vấn và chỉ định cụ thể hoặc hướng dẫn quy trình theo dõi, tiêm kích trứng bắt đầu chu kỳ hỗ trợ sinh sản bằng biện pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
F0 đang theo dõi niêm mạc, chuyển phôi (nếu đã có phôi lưu trữ tại bệnh viện), hay thực hiện phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI), cần nghỉ ngơi, bồi dưỡng ít nhất hai tháng sau khi khỏi bệnh. Bạn tái khám vào ngày thứ hai hành kinh ở tháng tiếp theo.
Lưu ý, vợ chồng nên tiêm đủ ít nhất hai mũi vaccine phòng Covid-19, khoảng một tháng trước khi thực hiện chu kỳ hỗ trợ sinh sản (kích trứng hoặc chuyển phôi). Vaccine sẽ giúp các bạn hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong quá trình điều trị do phải đi lại nhiều lần, tiếp xúc với nhiều người. Thời gian một tháng kể từ mũi tiêm cuối để cơ thể bạn sản sinh đủ lượng kháng thể và tránh những biến chứng của việc tiêm vaccine.
Bác sĩ Nguyễn Thị Nhã
Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện