Người bị ho, khó thở sau khỏi Covid nên khám chuyên khoa hô hấp; trường hợp đau ngực do nhồi máu cơ tim, tổn thương cơ tim cần nhập viện. Bác sĩ Hoàng Bùi Hải, Phó giám đốc Bệnh viện Điều trị Người bệnh Covid-19 (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), khuyên như trên và cho biết Covid có thể ảnh hưởng nhiều cơ quan như thận, gan, nội tiết (đái tháo đường, suy thượng thận), tiêu hóa và dinh dưỡng (tiêu chảy, chán ăn, sụt cân), da liễu (viêm da, loét da, rụng tóc), rối loạn giấc ngủ... Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa hội chứng hậu Covid -19 xảy ra ở những người nhiễm bệnh được ba tháng, với triệu chứng xuất hiện và kéo dài ít nhất hai tháng mà không lý giải được bằng các chẩn đoán khác. Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân Covid-19 cấp tính mức độ nhẹ, sau khi khỏi bệnh không đi khám, xét nghiệm. Người đang hồi phục sau bệnh nặng, bệnh nhân đã xuất viện hoặc người có các triệu chứng tiếp tục không giải thích được nên khám tại các cơ sở y tế được cấp phép. "Tùy thuộc vào các tổn thương do Covid-19 gây ra hoặc các biến chứng tại thời điểm thăm khám, bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định điều trị phù hợp", bác sĩ nói. Đối với bệnh nhân ho sau Covid, bác sĩ khám và loại trừ các nguyên nhân gây ho khác như viêm dạ dày, thực quản trào ngược; cơn hen phế quản; suy tim đợt cấp, viêm phổi mới xuất hiện... Người bệnh khi cần thiết sẽ được bác sĩ cho sử dụng thuốc giảm ho không kê đơn như benzonatate, guaifenesin, dextromethorphan. Trường hợp co thắt phế quản, dùng thuốc giãn phế quản hoặc glucocorticoid dạng hít... Thuốc nhóm opioid chỉ sử dụng cho người ho khó chữa, nặng, ảnh hưởng đến giấc ngủ hoặc giảm chất lượng cuộc sống. Với người bị khó thở, nguyên nhân thường gặp là viêm phổi, suy nhược thần kinh cơ, đợt cấp của bệnh phổi tiềm ẩn, hẹp khí quản do đặt nội khí quản, suy tim... Tùy nguyên nhân, bác sĩ sẽ chỉ định khám chuyên khoa hô hấp, phục hồi chức năng hô hấp. Trường hợp đau ngực do nhồi máu cơ tim, tổn thương cơ tim liên quan đến Covid, viêm cơ tim hoặc tắc động mạch phổi, phải nhập viện cấp cứu. Bệnh nhân tức ngực do co thắt phế quản điều trị bằng thuốc giãn phế quản dạng hít, xịt... Người bị rối loạn chức năng thực vật tư thế như nhịp tim nhanh, xoang không rõ nguyên nhân, chóng mặt khi đứng, bác sĩ có thể sẽ chỉ định dùng tất chun tĩnh mạch, đai đeo bụng, uống đủ nước, vật lý trị liệu và điều chỉnh lối sống. Đối với triệu chứng khó chịu trong ngực dai dẳng, bác sĩ thường không chỉ định điều trị, trừ khi nó ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Những trường hợp này một thời gian sau sẽ tự hết khó chịu. Bác sĩ kiểm tra, thăm khám sức khỏe cho người bệnh có di chứng Covid. Ảnh: Thế Quỳnh Bác sĩ kiểm tra, thăm khám sức khỏe cho người bệnh có di chứng Covid. Ảnh: Thế Quỳnh Bệnh nhân có biến chứng thần kinh sau Covid như đột quỵ, động kinh, bệnh não thiếu oxy, suy nhược thần kinh cơ liên quan đến hồi sức tích cực, hội chứng Guillain-Barré, viêm não... bác sĩ sẽ thăm khám và đánh giá mức độ thiếu hụt chức năng thần kinh. Người bị yếu cơ không rõ nguyên nhân hoặc rối loạn cảm giác có thể được đo điện cơ và các đánh giá dẫn truyền thần kinh. Nhiều người xuất hiện tình trạng tăng đông máu trong giai đoạn bệnh cấp tính hoặc phát triển huyết khối tĩnh mạch, động mạch, nhất là bệnh nhân từng điều trị hồi sức tích cực. Khi đó, bác sĩ phải khám tìm tất cả triệu chứng của huyết khối tĩnh mạch sâu ở chi trên và chi dưới, thuyên tắc phổi hoặc huyết khối động mạch. Đối với bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông, bác sĩ xem xét lại thời gian và chỉ định dùng thuốc chống đông, đánh giá sự phù hợp và an toàn trước khi ra y lệnh tiếp tục. Người bị mất hoặc giảm khứu giác hoặc vị giác, cách điều trị tùy thuộc tình hình hiện tại như cảm giác ngon miệng hoặc cân nặng có bị ảnh hưởng. Một số bệnh nhân nặng, sau khi khỏi cần phục hồi chức năng bao gồm vật lý trị liệu và vận động, thường là trong vòng 30 ngày kể từ ngày khỏi bệnh để cơ thể hồi phục nhanh hơn. Theo bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết trẻ em có thể mắc di chứng nguy hiểm là hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C), nhưng tỷ lệ này rất thấp. Nhìn chung với trẻ em, các triệu chứng sau Covid không nhiều, tỷ lệ chuyển nặng thấp hơn, vì vậy hiện có rất ít nghiên cứu đề cập. Theo bác sĩ Hùng, biểu hiện MIS-C là sốt cao, nôn, rối loạn tiêu hóa; một số trẻ đau đầu, đi ngoài phân lỏng. Ngoài ra, trẻ khi khỏi Covid-19 thì cơ thể vẫn đang yếu, cha mẹ không cho vận động mạnh, nên tăng cường vận động từ từ. Nếu sau đó con bạn vẫn mệt mỏi, kèm các biểu hiện như rối loạn giấc ngủ, tiêu chảy nặng hơn... thì nên đi khám.