Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Trương Cẩm Trinh - trưởng khoa khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ - nói nhiều phụ huynh đang có tâm lý lên mạng "tự làm bác sĩ cho con", cho con uống đủ loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng, kể cả thuốc điều trị bệnh.
Việc này xuất phát từ mong muốn giúp con phát triển thể chất, tăng chiều cao, tăng cân để có cơ thể khỏe mạnh, tốt nhất. Tuy nhiên đây là vấn đề tiềm ẩn nhiều nguy cơ như ngộ độc thuốc, kháng thuốc rất nguy hiểm.
Theo bác sĩ Trinh, tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ từ đầu năm đến nay tiếp nhận điều trị cho khoảng 20 trường hợp trẻ em bị ngộ độc thuốc.
Khá nhiều phụ huynh có thói quen khi con ho, sổ mũi hay đau bụng, nghĩ là bệnh đơn giản nên thường đến nhà thuốc mua vài liều thuốc cho trẻ uống, mà không cần bác sĩ kê đơn. Về tác hại, có thể phụ huynh sẽ không nhìn thấy trước mắt, nhưng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.
Trước hết là dùng kháng sinh khi không cần thiết, lạm dụng kháng sinh sẽ khiến cho các chủng vi khuẩn kháng thuốc phát sinh, tuy có thể đáp ứng tốt trong những lần đầu sử dụng nhưng sau đó gặp phải là lờn thuốc do vi khuẩn đã biến thể, dẫn đến kháng thuốc, hay tác dụng phụ của thuốc.
Lạm dụng kháng sinh ở trẻ em còn dẫn đến loạn khuẩn đường ruột, lâu dài gây hại trên các bộ phân cơ thể như gan, thận...
Bên cạnh đó, kê toa không có chỉ định của bác sĩ còn gặp phải việc phối hợp thuốc không đúng, gây quá liều, ngộ độc thuốc hoặc gây phản ứng tương tác thuốc không tốt cho trẻ.
* Thưa bác sĩ, việc bổ sung vitamin, thực phẩm chức năng tăng chiều cao, phát triển trí não cho trẻ có nên không?
- Có nhiều bậc cha mẹ ám ảnh với sự phát triển chiều cao, cân nặng của trẻ, nên đã tự tìm mua các sản phẩm trên mạng với quảng cáo công dụng giúp trẻ tăng cân nhanh, cao vượt trội... gồm cả sirô, thuốc uống, thực phẩm chức năng, sữa giàu dưỡng chất cho con uống.
Tuy nhiên, việc này tác dụng và hiệu quả thực tế của sản phẩm đối với con trẻ rất khó kiểm chứng. Ngoài ra, nếu dùng thực phẩm chức năng không đúng còn có thể gây tương tác với các thuốc khác mà bé đang uống, hoặc tự nó cũng gây ra một số tác dụng phụ đối với cơ thể trẻ.
Việc sử dụng vitamin tổng hợp được nghiên cứu là dễ dẫn đến nguy cơ thừa một số chất ở trẻ như thừa sắt, thừa kẽm, vitamin A, C...
Những loại thực phẩm chức năng được cho là giảm cân, đồng thời tăng cường sức khỏe trẻ em có chứa nhiều steroid và những chất tương tự có thể gây hại đến gan, lâu dài khiến gan bị suy, thận bị suy và những bệnh lý khác.
Khi bổ sung thực phẩm chức năng chứa canxi cho trẻ thì cần có liều lượng phù hợp, vì nếu bổ sung quá nhiều dẫn đến thừa canxi sẽ khiến cơ thể của trẻ trở nên mệt mỏi, trẻ không có cảm giác thèm ăn, sau này có nguy cơ bị bệnh sỏi thận, ảnh hưởng về xương...
Tâm lý lạm dụng thực phẩm chức năng cũng khiến cha mẹ không chú trọng đến việc bổ sung dinh dưỡng từ thực phẩm cho trẻ, cũng như tuân thủ điều trị khác.
Chính vì vậy, trước khi sử dụng bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào, kể cả thuốc bổ, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa phù hợp. Cần cảnh giác với các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng, sữa... không rõ nguồn gốc xuất xứ được rao bán trên mạng.
* Bác sĩ có thể cho biết thêm nên lưu ý gì khi dùng thuốc, thực phẩm chức năng cho con trẻ?
- Trước hết, phụ huynh cần chú ý bất cứ loại thuốc điều trị, thực phẩm chức năng, thuốc bổ hay sữa... cho trẻ em cũng đều có khuyến cáo sử dụng và tác dụng phụ nhất định.
Khi cho trẻ uống cần đúng chỉ định và tuân thủ khuyến cáo của bác sĩ chuyên khoa, của nhà sản xuất. Không tùy tiện cho trẻ sử dụng kháng sinh, thuốc bổ, kể cả thực phẩm chức năng khi không thật sự cần thiết.
Khi cần sử dụng kháng sinh cho trẻ em thì phải theo đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa từ liều lượng, ngày dùng, phối hợp thuốc đúng bệnh, đúng cách.
Tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ để chống lại các tác nhân gây bệnh là vi khuẩn và vi rút bằng các loại thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên.
Khi cần thiết phải bổ sung thuốc bổ, thực phẩm chức năng để trẻ phát triển hay tăng chiều cao, cân nặng, trí não... cũng cần ý kiến của chuyên gia, bác sĩ tư vấn về liều lượng, cách dùng phù hợp cho từng trẻ. Không nên lấy toa của trẻ này dùng cho trẻ khác kiểu truyền miệng.
Trong quá trình sử dụng, nếu phát hiện bất cứ dấu hiệu bất thường nào nghi ngờ quá liều, tác dụng phụ... sau khi sử dụng thuốc cần báo ngay cho bác sĩ điều trị, hoặc đến ngay bệnh viện chuyên khoa để được thăm khám.