Để cung cấp đủ dinh dưỡng cho trẻ trong giai đoạn này, phụ huynh cần lưu ý trẻ có thể tham gia cả 3 bữa ăn chính cùng gia đình và ít nhất là 2 bữa phụ khác. Bữa ăn của trẻ cần được đảm bảo 4 nhóm thực phẩm gồm: Tinh bột; vitamin và khoáng chất, chất đạm; chất béo.
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ ở lứa tuổi mầm non có vai trò rất quan trọng, tác động mạnh đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất và trí tuệ.
Thức ăn tinh bột có mặt trong 3 bữa chính và một số bữa phụ của bé gồm cơm, khoai tây, khoai lang, mì và những thức ăn từ tinh bột như bánh mì, bánh ngọt…
Hoa quả và rau xanh: Cung cấp cho cơ thể nhiều chất hoạt tính sinh học, đặc biệt là các muối khoáng có tính kiềm, vitamin và axit hữu cơ. Ngoài ra, trong rau xanh còn có loại đường tan trong nước và chất xenlulo, vì vậy cần ít nhất một phần rau xanh trong bữa ăn của bé. Hoa quả thì có thể cho bé ăn thường xuyên hơn. Phụ huynh cũng nên cẩn thận với nước hoa quả vì axit trong hoa quả có thể phá hủy men răng, nếu bé uống nhiều lần trong ngày. Tốt nhất, cần pha loãng và cho trẻ uống ở mức vừa phải.
Thức ăn giàu protein và chất sắt có mặt trong ít nhất 2 bữa chính của bé gồm thịt, cá, trứng, các loại hạt. Sữa, sữa chua và phô mai: Có thể cho bé ăn 3 loại này thành 3 phần trong ngày. Thực phẩm chứa sữa giàu canxi tốt cho xương của trẻ. Cũng có thể cho các trẻ uống thêm sữa nhưng không quá 350ml/ngày. Uống nhiều sẽ khiến trẻ bị no, giảm cảm giác thích thú khi ăn. Trẻ ở tuổi mẫu giáo cần nhiều chất lỏng hơn vào những ngày trời nóng, nhất là khi trẻ nô đùa, dễ bị mất nước nhanh. Sữa và nước lọc là hai đồ uống quan trọng giữa những bữa chính.
Xây dựng thực đơn theo mùa, phù hợp với sở thích của trẻ. Ví dụ vào mùa hè, cần ưu tiên các món nhiều nước, thanh mát, tăng cường các loại nước ép hoa quả…; vào mùa đông, có thể bổ sung các món chiên xào hoặc hầm nhừ. Các loại thực phẩm tiêu biểu của mùa nào nên ưu tiên sử dụng của mùa đó, không nên sử dụng thực phẩm trái mùa. Thức ăn nên được cắt nhỏ để trẻ dễ nhai, dễ tiêu hóa. Lựa chọn thực phẩm an toàn trước khi chế biến. Các loại thịt cá, rau củ phải đảm bảo tươi sống, không ôi thiu, không chứa các loại hóa chất gây hại cho sức khỏe của trẻ.
Tuy nhiên, cần hạn chế đồ ngọt và thực phẩm nhiều đường, vì dễ khiến trẻ tăng cân và bị hư răng. Các loại thức ăn nhanh, đồ chiên rán nếu lạm dụng nhiều sẽ khiến trẻ bị thừa cân.