Trẻ lanh lợi hơn
Con người là giống loài phải trải qua thời kỳ tuổi niên thiếu dài nhất trong thế giới loài vật. Đây là một lợi thế rất lớn, bởi trẻ có thể tập đối diện với các trách nhiệm xã hội dưới sự bảo bọc của người lớn trước khi dậy thì, trở thành động lực thúc đẩy trẻ tìm cách trở thành người lớn. Tuy vậy, trẻ em thời hiện đại phải đối mặt với một vấn đề lớn: tuổi dậy thì tới sớm hơn, trong khi hầu hết thời gian lại phải “chạy đua” với việc học hành.
Ngày càng có nhiều gia đình đặt nặng tầm quan trọng của giáo dục học đường mà không để trẻ có cơ hội học các kỹ năng sống thông qua các công việc nhà thường nhật. Đến khi bố mẹ mong chờ con cái có thể làm được các việc đơn giản như đổ rác, giặt giũ hoặc chỉ là dọn dẹp, họ sẽ phải cầu khẩn, dọa nạt hoặc “hối lộ” bằng các phần thưởng. Khi đó, dù trẻ có bị ép làm việc nhà, chúng cũng không học được bất kỳ điều gì. Khi trẻ đối mặt với tuổi dậy thì, với áp lực phải tìm cách chứng tỏ bản thân, trẻ sẽ không có đủ kỹ năng và nhận thức để đáp ứng.
Nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ em ở các nước đang phát triển hoặc sống trong các môi trường cần lao động như nông trại, các cửa tiệm dịch vụ… sẵn sàng tham gia lao động, có tính kỷ luật cao, chịu khó và dễ dàng hòa nhập với môi trường hơn những trẻ cùng lứa không thường làm việc nhà. Ngoài ra, những việc lao động chân tay dù đơn giản cũng sẽ giúp tăng cường khả năng phản xạ, thích ứng với tình huống, giúp trẻ lanh lợi hơn. Vì thế, cha mẹ không nên chỉ chú trọng vào việc bắt trẻ học tập trên trường lớp, mà cần tìm cách giúp các bé làm quen với việc nhà hàng ngày.
Khuyến khích trẻ như thế nào?
Trẻ có thể được khuyến khích làm việc nhà từ rất sớm, thậm chí từ lúc 18 tháng tuổi. Ở độ tuổi này, trẻ rất tò mò, muốn tham gia làm mọi thứ, kể cả việc bắt chước người lớn làm việc nhà. Tuy vậy, bé sẽ tự ý giúp bố mẹ và thường gây rối nhiều hơn là hữu ích. Vì thế, bố mẹ lưu ý phải kiềm chế việc la mắng, chê trách, cứ để trẻ tham gia một cách tự nhiên. Từ 18 tháng tuổi đến ba tuổi, bé có thể làm những việc nhà đơn giản như dọn dẹp đồ chơi, giúp bố mẹ mang đồ, lau rửa đơn giản, sắp xếp quần áo… Đến bốn-năm tuổi, trẻ có thể giúp những việc đơn giản trong bếp, chuẩn bị giường ngủ. Khi trẻ đến sáu-chín tuổi, bố mẹ hãy tập cho bé các công việc cần thiết để trẻ chăm sóc chính mình và những người xung quanh, trong đó bao gồm việc chà rửa các vật dụng trong nhà, giặt đồ của mình và người khác, chuẩn bị một bữa ăn đơn giản…
Trẻ có thể được dạy làm những việc đơn giản và biến thành thói quen hàng ngày. Hoặc, bố có thể biến các việc làm trong nhà thành một trò chơi có thưởng. Tuy vậy, đừng nên đưa ra các phần thưởng mang tính vật chất quá sớm, chỉ nên sử dụng những thứ như quyền hạn, như quyền gia hạn thêm thời gian chơi, quyền được đi chơi bên ngoài với bạn bè…
Dĩ nhiên, khi trẻ lớn hơn, phần thưởng mang tính vật chất vẫn có thể được áp dụng để giúp trẻ hiểu được ý nghĩa của lao động. Trẻ phải thực sự bỏ công sức ra để được thưởng một thứ mà trẻ muốn. Điều quan trọng hơn cả là bố mẹ phải giúp trẻ hiểu được khái niệm: lao động là vì lý do chu cấp cho cuộc sống của gia đình và chính mình. Như thế, trẻ sẽ xem việc tham gia vào các việc làm trong nhà là cần thiết, từ đó sẽ dần tiếp thu được các kỹ năng cần cho cuộc sống sau này.
Khi khuyến khích trẻ tham gia chia sẻ việc nhà, không gì hào hứng và có tác dụng tích cực hơn bằng việc chính người cha trực tiếp hướng dẫn, thực sự cùng làm việc với trẻ. Cả thái độ nhận lãnh trách nhiệm của bố sẽ tạo ảnh hưởng lớn đến nhận thức của trẻ khi bé thấy việc nhà là của tất cả các thành viên trong nhà, chứ không chỉ là trách nhiệm của mẹ.