Trẻ tiểu học đã bắt đầu cắp sách đến lớp học thêm dường như là câu chuyện khá phổ biến hiện nay. Nhà nhà dò hỏi nhau, người người nhắc nhở nhau phải cho con cháu học thêm, học trước chương trình kẻo không theo kịp bạn bè trong lớp…
Hôm qua, con gái tôi hớn hở về khoe: “Mẹ ơi, bạn Liên Tâm được giải Ba thi viết chữ đẹp đó, vui quá!”. Tôi bật cười hỏi lại con gái: “Bạn được giải mà con vui thế sao?”. Con bé toe toét lý sự: “Bạn thân của mình được khen thưởng thì phải vui chứ?!”. Lẽ tất nhiên là vậy rồi, tôi cũng đang hòa cùng niềm vui với con gái mình.
Bé con đang học lớp 1 ở một ngôi trường có tiếng ở thành phố. Nhìn các bạn của con, tôi phải công nhận một điều rằng việc học của bọn trẻ bây giờ được bố mẹ đầu tư quá bài bản, quá công phu và cực kỳ tốn kém. Bọn trẻ mới lớp 1 mà đã theo học quá nhiều khóa học về tiếng Anh và đủ loại năng khiếu đàn, hát, vẽ, múa, lắp ráp rô bốt, rèn luyện IQ…
Nhưng áp lực nhất vẫn là việc học thêm sau giờ học. Hồi đầu năm học, nhiều phụ huynh dò hỏi tôi đang cho con theo học thêm ở nhà của cô giáo nào, tôi bảo cháu sẽ tự học là chủ yếu và mọi người có vẻ ngạc nhiên về điều đó.
Trẻ tiểu học đã bắt đầu cắp sách đến lớp học thêm dường như là câu chuyện khá phổ biến hiện nay. Nhà nhà dò hỏi nhau, người người nhắc nhở nhau phải cho con cháu học thêm, học trước chương trình kẻo không theo kịp bạn bè trong lớp.
Tôi từng bị xem là “cá biệt” khi không cho con chạy đua học chữ trước khi vào lớp 1 và giờ thì vẫn “bình chân như vại” khi ngoài kia biết bao người đổ xô đi đăng ký lớp học thêm. Bởi…
thử hỏi con gái có muốn đến lớp học thêm cùng các bạn sau giờ học, tôi lắng nghe con phản bác: “Mẹ có biết cả một ngày học ở lớp mệt thế nào không? Hết viết chính tả là làm Toán, luyện chữ rồi bài tập Anh văn,… Con quá mệt!”. Ngẫm lại tôi thấy đúng là việc học ở lớp đã quá áp lực với các con.
Đừng nghĩ bọn trẻ lớp 1 bây giờ chỉ quanh quẩn làm toán, tập đọc, viết chữ như chúng ta hồi xưa nhé! Các con đang chạy đua thật sự với những yêu cầu về kiến thức và kỹ năng cao vượt bậc.
Chỉ sau một vài tháng làm quen với con chữ, ráp vần, các con chuyển sang tập viết chính tả theo đúng phương thức “đọc - viết” (cô giáo đọc, cháu lắng nghe và viết) còn giai đoạn “tập chép” (nhìn bảng và sách để viết lại) như chúng ta ngày trước chỉ luyện chút ít đã nhanh chóng phớt lờ bỏ qua. Môn Toán lớp 1 cũng đòi hỏi cao hơn hẳn khi yêu cầu các con đặt lời bài toán và giải toán dựa trên một sơ đồ tóm tắt.
Chính yêu cầu cao về kiến thức và kỹ năng đó khiến không ít bố mẹ bất an và chen đua nhau cho con học thêm, học kèm. Nhưng nhồi nhét kiến thức vào đầu con trẻ và bớt xén thời gian nghỉ ngơi, vui chơi của con có thật sự hữu ích?
Tôi từng gửi lời chúc một cô bé cùng lớp của con gái mình đại ý là mong cháu có một buổi tối vui vẻ. Nhưng đáp lại lời tôi là một khuôn mặt xụi lơ và giọng nói thỏ thẻ có vẻ buồn bã “Cháu còn đi học thêm đến hơn 7h tối mới về nhà”. Ở trường suốt từ 7h rưỡi sáng đến 5h chiều lại còn đến lớp học thêm vào buổi tối, thời gian các con ở bên cạnh bố mẹ để đón nhận yêu thương, quan tâm, sẻ chia ít ỏi vô cùng.
Rồi mỗi ngày chờ con tan học trước cổng trường, tôi gặp nhiều người mẹ, người bà chờ cháu với một chiếc cặp học sinh nhỏ trên vai. Lúc đầu tôi cũng khá ngạc nhiên nhưng giờ thì đã hiểu ra cái cặp ấy đựng sách vở học thêm và một vài món ăn nhanh để các cháu “chuyển ca” sau khi có tiếng kẻng tan trường.
Thay cặp lớn ở trường bằng cặp nhỏ, rời kiến thức ở lớp lại loay hoay với sách vở học thêm, ăn uống vội ổ mì, hộp sữa cho kịp giờ học… là hình ảnh nhan nhản khắp nơi. Thử hỏi bọn trẻ sẽ tìm thấy niềm vui trong việc học như thế nào khi quẩn quanh thời khóa biểu mỗi ngày của con là “học, học và học”?
Kỳ vọng của bố mẹ, ước mơ của bố mẹ đang khiến không ít đôi vai bé nhỏ của bọn trẻ trở nên nặng trĩu và con đường học hành bỗng gồ ghề, nhọc nhằn hơn rất nhiều. Bằng lòng với năng lực của con, tạo động lực cho con phấn đấu thay vì nhồi nhét áp lực dường như là điều quá xa vời với nhiều bố mẹ…
Quay trở lại với câu chuyện của con gái mình, tôi cũng từng đặt kỳ vọng kha khá vào con. Bởi bé con rất nổi trội ở mái trường mầm non. Rồi bước sang cấp tiểu học, khi con không được chọn vào đội tuyển dự thi vẽ tranh, viết chữ đẹp, tôi dần nhận ra còn mình giỏi nhưng có những đứa trẻ khác xuất sắc hơn.
Và khi không được tham gia các cuộc thi đó, lẽ nào tôi sẽ trách mắng, đánh đòn con vì kém hơn bạn ư? Không hề! Rồi vở chính tả, vở toán của con đỏ tươi những dòng phê “đáng khen” lại xen lẫn lời ghi chú “con cần cẩn thận hơn”, “hoàn thành bài” của cô giáo, tôi cùng con cười xòa. Và rất khéo léo, cực kỳ nhẹ nhàng, tôi nhắc nhở con lần sau cố gắng hơn.
Trong khi bao đứa trẻ mỗi buổi chiều muộn vẫn gò mình viết chữ, làm toán ở đâu đó, con gái tôi lại vui tươi chạy nhảy hoặc say mê thả hồn vào một trò chơi thú vị. Quan trọng hơn hết là con biết cuộc sống xung quanh tươi đẹp thế nào, mọi người yêu thương con ra sao và tận hưởng một tuổi thơ hồn nhiên, đầy ắp kỷ niệm…
Tôi bằng lòng với thành tích hiện tại của con, vui vẻ với nỗ lực trong học tập của con. Không so sánh với “con nhà người ta”. Chẳng phân bì với “con nhà người ta”. Tôi hạnh phúc với điều đó và nhận ra niềm vui trong ánh mắt, nụ cười của con mỗi ngày. Xin hãy để con trẻ hồn nhiên giữa đời…