Có khi nào bạn tắt ti vi, cất điện thoại, ngồi xuống chơi xếp hình cùng với con?
Có khi nào bạn dắt xe đạp ra ngõ, bảo con trèo lên và chúng ta sẽ đi một vòng?
Có khi nào bạn cùng trèo lên giường với con và đọc cho bé nghe một câu chuyện trước khi đi ngủ?
Có khi nào bạn hỏi con về chuyện ở lớp, ngồi tô màu cùng con, dắt con ra ngoài đi dạo, kể cho con nghe một câu chuyện cổ tích, lôi bóng ra sân đá cùng con, cùng con chơi trò xây nhà bằng chăn và gối, thơm và chúc con đi ngủ mỗi đêm…
Và lần gần nhất bạn nói cho con biết "Bố yêu con" là khi nào?
Tôi từng đọc được một dòng chia sẻ của một bà mẹ: “Thời này làm gì còn kiểu đọc truyện, tâm sự, rồi thơm trán, chúc ngủ ngon và đi ra ngoài, cái đó chỉ có trong truyện cổ tích mà thôi!”. Té ra ngày nào nhà tôi cũng làm như truyện cổ tích.
Tôi cũng từng biết có ông bố rất hùng hổ bình luận: “Cho nó ngủ từ 8 giờ thì có mà mất hết tuổi thơ!”. Nhưng tối nào bố cũng đi nhậu đến khuya, con ở nhà với ông bà trông bằng ti vi, điện thoại. Té ra đó là tuổi thơ.
Nhìn một vòng xung quanh, chắc không khó bắt gặp những gia đình mà bố mẹ, đặc biệt là các ông bố dành rất ít thời gian cho con. Phải chăng vì bố quá bận (bận cả việc lẫn bận những cuộc vui) hay vì bố cho rằng trách nhiệm của người đàn ông là kiếm tiền, nuôi con là chuyện của phụ nữ?
Tiền có thể mua được cho con ngôi nhà nhưng không mua được cho con mái ấm.
Tiền có thể mua cho con những bộ quần áo đẹp nhưng không mua được những buổi đi chơi có đủ cả gia đình.
Tiền có thể mua những món đồ chơi xịn nhưng không mua được một người bố ngồi cạnh cùng chơi với bé.
Tiền có thể mua được tất cả, ngoại trừ năm tháng con lớn lên mỗi ngày mà bố mẹ vô tình đã bỏ qua.
Bố ạ, nếu chưa thể dành được đủ thời gian cho con, vậy đừng vội làm bố.
Một đứa bé sống trong gia đình bình thường nhưng được bố mẹ quan tâm sẽ hạnh phúc hơn một thiếu gia nhí được giúp việc ru đi ngủ mỗi ngày.
Một nghiên cứu từ trường Đại học Newcastle (nằm trong top 20 trường xuất sắc nhất Vương Quốc Anh) đã chỉ ra rằng những đứa trẻ được bố tích cực quan tâm, dành thời gian và tham gia những hoạt động thường ngày sẽ có chỉ số IQ và sự phát triển vượt trội (bao gồm cả các kĩ năng lẫn nhận thức) hơn hẳn những bé thiếu thốn điều này.
Sự khác biệt về trí tuệ không chỉ tồn tại khi con chỉ là một đứa trẻ mà còn kéo dài đến khi con trưởng thành và ngoài 40 tuổi. Đồng nghĩa với việc, nếu bố dành nhiều thời gian hơn, con sẽ thông minh hơn.
Trong phương pháp Kubota, một phương pháp giáo dục hình thành trí tuệ sớm ở trẻ của Nhật Bản cũng đã khẳng định vai trò của bố quyết định không nhỏ trong sự giáo dục, phát triển và hình thành tính cách của bé sau này. Những đứa trẻ nhận được đủ sự quan tâm của bố sẽ luôn tích cực trong việc giao tiếp, học tập, khám phá và phát triển tư duy tốt hơn.
Ngược lại, nếu chỉ nhận được sự chăm sóc từ mẹ, trẻ có xu hướng nóng nảy, ương bướng và hay chống đối (đặc biệt là bé trai). Những đứa trẻ nhận được đầy đủ sự quan tâm và chăm sóc từ bố sẽ tiếp tục trở thành một người bố biết chia sẻ và lắng nghe trong tương lai.
Những ông bố cực kỳ, cực kỳ bận rộn kiếm tiền chắc cũng chẳng bao giờ có thời gian lướt facebook và đọc được bài viết này của tôi. Còn những ông bố khác, tôi nghĩ chẳng quá khó khăn để bạn dành 1 tiếng cho con mỗi ngày. Rồi bạn sẽ nhận thấy những điều còn tuyệt vời hơn cả những điều tuyệt vời.
Sẽ nhận ra em bé bé tí nhưng sẵn sàng khệ nệ vác cái ghế to đùng đặt cạnh để được đánh răng với bố.
Sẽ nhận ra cô con gái đã biết cho trứng đồ chơi lên chảo rán, cho gà đồ chơi vào nồi luộc mời bố ăn.
Sẽ nhận ra con trai mình có rất nhiều sách nhưng chưa quyển nào trong số đó mình từng đọc cho bé.
Và sẽ nhận ra mình hạnh phúc thế nào khi được đặt nụ hôn lên trán chúc con ngủ ngon.
Đôi khi bạn quá ngượng ngùng để nói câu “Bố yêu con" cho đến lúc nhận ra thì con đã quá lớn và vượt khỏi vòng tay của bố mẹ.
Hỡi các ông bố, hãy đặt điện thoại xuống và chơi với con, bởi bạn biết không
THỨ TUYỆT VỜI NHẨT MÀ CHA MẸ NÀO, BẤT KỂ GIÀU NGHÈO, CŨNG CÓ THỂ DÀNH CHO CON CHÍNH LÀ THỜI GIAN CỦA MÌNH.