Mẹ nuôi con mà "rung đùi" đợi bé tự biết đi, tự biết ăn thì đúng là vô trách nhiệm!
Hôm qua tôi có đọc được bài viết Tôi chẳng dạy con theo kiểu của ai! Và cảm thấy đây là một quan điểm đúng, nhưng chưa đủ. Tất cả các bà mẹ đều biết rằng, mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt, có tính cách, thói quen, sở thích, khẩu vị khác nhau. Do vậy đương nhiên, cách nuôi dạy con của mỗi bà mẹ cũng có những điểm khác nhau. Và cũng là lẽ thường tình khi ai cũng cần phải học hỏi kinh nghiệm của người đi trước để biết cách ở bên trẻ một cách đúng đắn nhất.
Đúng là hiện nay, trên mạng internet có vô vàn những phương pháp nuôi day con, từ Tây đến Tàu. Ở ngoài đời, những quyển sách về nuôi con khỏe mạnh, dạy con thông minh, kích thích trí tuệ…thì lại càng nhiều như “lá mùa thu”. Vậy nhưng, bài viết nào “post” lên mạng là nhận được hàng nghìn lượt đọc, quyển sách nào xuất bản ra, là lập tức “đắt như tôm tươi”. Tuy nhiên theo tôi, đây là điều tốt, chứ không phải là sự tiêu cực. Nó cho thấy người ta và các bà mẹ Việt nói riêng đã bắt đầu có xu hướng quan tâm đến việc nuôi và dạy con sao cho khoa học, đúng đắn. Họ đã biết vì con, vì thế hệ mới của đất nước. Ấy đương nhiên là đáng khuyến khích. Tuy nhiên, giữa muôn vàn các phương pháp nuôi dạy con cái, bà mẹ nào biết cách đọc, biết cách hiểu và biết cách áp dụng đúng mới là người “chiến thắng”.Tôi từng thấy những bà mẹ nhất quyết bắt con uống sữa theo giờ, con khóc đói cũng mặc kệ mà con chưa đói cũng cứ cho ăn. Tôi cũng thấy nhiều mẹ, nhiều chị kiên quyết thấy con khóc không bế vì sợ nó sẽ “quen hơi”. Nhưng theo tôi, đó chỉ là những trường hợp hiếm hoi. Còn đa số, các bà mẹ vẫn đang học hỏi nhau hàng ngày, và đang nuôi con mình tốt lên hàng ngày.
Nuôi dạy con cần tôn trọng bản năng của trẻ, đó là điều đáng làm, nên làm và phải làm. Tuy nhiên, nếu nói để trẻ tự “bơi”, tự lớn và tự phát triển theo ý mình. Ấy lại là cái sai. Trẻ con như tờ giấy trắng và việc ta cần làm, là định hướng cho con, sao cho bé viết được những nét chữ đẹp nhất, trên tờ giấy trắng đó. Cách nuôi dạy con của tôi, đó là:
Về chuyện ăn uống: Con trai tôi rất lười ăn, đặc biệt, dường như con ghét ăn tất cả mọi thứ, chỉ thích ăn cháo không. Nếu tôn trọng và không định hướng cho con, tôi sẽ bỏ qua 1 trong 2 giai đoạn phát triển vượt bậc của cuộc đời trẻ: giai đoạn 0-3 tuổi và giai đoạn dậy thì. Do vậy, tôi vẫn cần quản lý và kiểm soát bữa ăn hàng ngày của con. Bé có thể không ăn hết, nhưng bắt buộc phải ăn, và mỗi ngày phải ăn nhiều hơn hôm trước. 1 thìa hơn cũng là nhiều hơn. Nếu dạ dày bé chỉ quen với việc ăn một bát con, vậy cứ đến mức đó, cơ thể bé sẽ tự động “báo no”. Do vậy, mỗi ngày cho con ăn nhiều hơn dù chỉ một thìa, cũng khiến cơ thể bé dần quen với khối lượng thức ăn mới.
Trẻ con đã lười ăn thường cũng hiếm khi chủ động trong việc đòi tăng độ thô, tôi luôn cho con ăn thử thức ăn thô dần và quan sát phản ứng của bé trong vòng 1-2 ngày. Nếu bé tỏ ra không vấn đề gì, tôi sẽ cho con làm quen với độ thô mới.
Về chuyện phát triển các kỹ năng lẫy, bò, đi, đứng…Theo tôi đúng là trái non không thể chín ép. Tuy nhiên, tôi luôn tạo điều kiện để con được “chín tự nhiên” một cách sớm nhất. Khi bé mới sinh ra, tôi luôn chú ý cho con nằm nệm cứng, không gối đầu. Điều này khiến xương bé phát triển hợp lý, thẳng và dễ dàng vận động hơn nằm nệm lún. Do đó, chỉ 2 tháng, con tôi đã lật lẫy hoàn hảo. Chuyện tập đi của con cũng vậy. Tôi không thích ngồi “rung đùi” chờ ngày con tự đứng dậy mà đi. Tôi thấy những dấu hiệu muốn được đi của con, và tôi tạo điều kiện, bằng xe đẩy, bằng nhà cửa sạch sẽ, thanh vịn và những lời khuyến khích con tự tin.
Chuyện khám phá, tìm hiểu và kích thích trí não trẻ, tôi lại càng không thể để con tự “bơi”. Thời gian từ 0-6 tuổi là giai đoạn trí não trẻ phát triển mạnh mẽ nhất và đến năm 3 tuổi, não bé đã hoàn thiện tới 70% (ấy là tôi đọc sách và biết như vậy. Tôi thích đọc và cần đọc sách để biết đến các phương pháp tốt nhất cho con mình). Thời gian này, tôi tập trung nhiều để dạy con làm quen với thế giới và môi trường xung quanh. Tôi không bỏ mặc con ngồi “khám phá” cái điều khiển tivi. Tôi mua cho con những quyển sách vải, những món đồ chơi an toàn, thảm chơi cũng là những tấm thảm với màu sắc rõ ràng, bắt mắt. Con vẫn được tự chơi và khám phá. Nhưng tôi định hướng cho con, nên chú tâm khám phá cái gì. Có lẽ cũng nhờ vậy, con tôi khi lên 3 tuổi, mẹ bắt đầu dạy chữ và số kiểu học mà chơi, chơi mà học thì bé tiếp thu rất nhanh.
Phương pháp dạy dỗ của cha mẹ là yếu tố quyết định tương lai của con trẻ. Bé sẽ thành công hay thất bại, là người vui tính hay thích yên lặng, hòa đồng hay là không, thích đương đầu với thử thách hay dễ dàng bỏ cuộc,…tất cả đều phụ thuộc vào nền tảng những gì ta dạy cho con ngay từ những ngày đầu còn thơ bé. Có dạy con hay bỏ mặc, trẻ đều sẽ lớn. Nhưng lớn theo nhiều cách khác nhau và cũng sẽ trở thành những con người khác nhau. Vậy nên theo quan điểm của tôi, bố mẹ tôn trọng nhưng cũng cần là người định hướng cho con.