Các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyên rằng, trẻ từ 10-18 tháng tuổi có thể ăn được các món thực phẩm mềm, cắt miếng nhỏ. Đây là giai đoạn vàng để phụ huynh hướng dẫn bé cách cầm nắm muỗng, đũa xúc ăn. Trẻ càng nhỏ càng dễ tiếp thu những kiến thức mới lạ và nhanh chóng học cách tự lập. Sẽ thật là khó khăn cho một em bé đã đến tuổi vào mẫu giáo, hoặc thậm chí vào lớp 1 nhưng vẫn cần phải có người đút ăn từng muỗng. Các bậc phụ huynh đâu thể nào ở bên cạnh bé 24/24 để lo việc ăn uống cho bé, phải không nào?
Vậy nên, dạy bé tự mình xúc ăn khi bé đang trong giai đoạn bắt đầu ăn dặm sẽ giúp bé phát triển tính cách độc lập, cũng như giúp phụ huynh có nhiều thời gian hơn cho những công việc quan trọng khác.
Kinh nghiệm tập cho bé dưới 2 tuổi tự ăn
Kiên trì cho bé tự tập ăn từng bước một. Có bé tự học xúc ăn rất nhanh nhưng cũng có bé cần nhiều thời gian hơn đôi chút để học, nhưng điều quan trọng là bạn không nên lấy mốc thời gian của những đứa trẻ khác làm “chuẩn” khi dạy con mình bất cứ việc gì, kể cả việc tự ăn. Trong những lần đầu tiên tập tự ăn một mình, hầu như bé nào cũng sẽ dùng tay bốc, làm rơi vãi thức ăn tung tóe khắp nơi. Tuy có hơi cực khi lau dọn nhưng cha mẹ hãy kiên nhẫn cho bé tự tập ăn nhiều lần nữa. Đến khi bé nhận ra tay và quần áo trông thật bẩn khi bị dính đầy thức ăn, bé sẽ biết tự dùng muỗng để xúc ăn gọn gàng mà thôi.
Cho bé tập ăn món ưa thích trước
Cha mẹ sẽ không thấy khó khăn trong quá trình dạy bé tự xúc ăn, nếu tập cho bé tự ăn những món hợp ý thích trước. Từ khi mới chập chững biết đi, nhiều trẻ đã có món khoái khẩu của riêng mình. Bạn hãy ghi lại liệu món ăn trong buổi hôm đó con ăn có ngon hay không để lần sau nấu lại cho bé ăn nữa. Hẳn là khi bắt đầu tập ăn, bé sẽ thích thú hơn trước món hợp gu của mình!
Cho bé “trải nghiệm” nhiều loại thức ăn
Các bậc phụ huynh đừng quá lo lắng việc con sẽ hóc thức ăn mà không cho con thử các món mới. Hãy cho con ăn nhiều món đa dạng, nhất là các loại trái cây như táo, ổi, lê… cắt miếng vừa, bánh mì, bánh quy… để bé hấp thụ đầy đủ dưỡng chất. Có thể ban đầu bé sẽ nhả ra nhưng sau vài lần, bé sẽ quen và tự xử lý được thức ăn thô một cách dễ dàng.
Ngoài ra, đừng quên chọn chén dĩa bắt mắt sẽ khiến bé yêu thích giờ ăn hơn nhé!
Tạo tâm lý thoải mái cho bé
Ai cũng biết trẻ con rồi cũng sẽ lớn lên nên vấn đề tự xúc ăn sớm hay muộn, phụ huynh cũng nên để trẻ thoải mái. Quan trọng là con lúc nào cũng vui vẻ trong giờ ăn. Với tâm lý dễ chịu, không bị gò bó, trẻ sẽ nhanh học được kỹ năng mới.
Người làm cha làm mẹ nên tôn trọng con ngay cả trong việc ăn uống. Dù bé làm mặt mày nhem nhuốc hoặc đổ thức ăn khắp nơi, bạn tuyệt đối không nên la mắng làm bé bị tổn thương. Thay vào đó, đừng tiếc lời khích lệ mỗi khi bé có thể xúc ăn mà ít bị rơi vãi.
Bí kíp để bé duy trì việc tự xúc ăn
Hôm nay, có thể bé yêu tự xúc ăn rất ngon lành mà không hề mè nheo đòi người lớn phải đút từng muỗng. Nhưng không hẳn điều ấy có nghĩa là bạn đã dạy bé tự xúc ăn thành công. Làm sao bạn đảm bảo được ngày mai và nhiều ngày sau nữa, bé vẫn sẽ tiếp tục tự ăn như vậy?
Câu trả lời thật đơn giản! Bạn nên tập cho trẻ thói quen ăn trên bàn ăn cùng tất cả các thành viên trong gia đình. Mới đầu mọi người có thể dùng muỗng khi ăn, trẻ sẽ nhìn cách người lớn ăn uống và bắt chước theo một cách rất tự nhiên. Và khi đã có thể thao tác thành thạo, ít làm rơi thức ăn như người lớn, bé sẽ có nhiều hứng thú và dần hình thành thói quen tự giác xúc ăn.
Bên cạnh đó, không khí đầm ấm khi cả nhà quây quần bên bàn ăn, sự cổ vũ động viên của mọi người sẽ càng kích thích niềm vui và sự tự giác khi ăn uống của bé. Vậy là không cần tốn quá nhiều công sức, bạn vẫn có thể dạy cho bé yêu cách tự xúc ăn rồi đấy!