Khi bắt đầu đến trường Mầm non là thời điểm có sự thay đổi trong nếp sinh hoạt của một đứa trẻ. Đến trường mầm non, các bé sẽ cảm thấy lạ lẫm giữa không gian rộng lớn của nhà trường, có nhiều thầy, cô giáo, nhiều bạn bè – những người mà bé chưa quen; môi trường lớp học, các đồ dùng,… đều xa lạ đối với bé. Không có sự chuẩn bị tâm thế trước cho trẻ một cách kỹ càng và khoa học sẽ dễ khiến trẻ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống mới ở một môi trường xa lạ, thậm chí trẻ có thể bị “sốc”.
Những ngày mới bắt đầu đi học, các bé dễ bị ốm, điều này khó tránh khỏi kể cả khi các bé khỏe mạnh, có sức đề kháng tốt vì đi học là con bước vào một môi trường xa lạ với những thói quen sinh hoạt mới tinh, trẻ thường quấy khóc và điều kiện chăm sóc không thể bằng ở nhà, vì thế, các mẹ cũng không nên quá lo lắng, việc nên làm là hạn chế tối đa các nguy cơ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của con.
Hãy chuẩn bị tâm lý cho con thật kĩ trước khi quyết định cho con đi học, bắt đầu bằng việc cho con làm quen với những nơi đông người, tập và quan sát cánh con chơi với các bạn cùng tuổi khác, đặc biệt là thường xuyên cho con đến chơi ở ngôi trường mà con sẽ học làm quen với cô giáo, các bạn… Có khi, thái độ và cảm xúc của con khi đến chơi, thăm quan ở trường sẽ thay đổi hoàn toàn quyết định của bạn, vì cảm nhận của con về thầy cô, bạn bè mới là quan trọng nhất. Điều quan trọng, cha mẹ nên biết rõ lịch sinh hoạt của bé ở trường như: ăn, chơi, ngủ, làm quen với các hoạt động học của trường mà con sẽ học để dần dần hướng con theo thời gian biểu đó, đây cũng là một bước để giúp con không bị thay đổi đột ngột nếp sinh hoạt khi đi học, giúp ích rất nhiều trong việc bảo vệ sức khỏe cho con. Khi con đi học, cha mẹ cũng nên chia sẻ kĩ những thói quen và tích cách của con với cô để giúp cô “hòa nhập” với con nhanh hơn. Đồng thời, cha mẹ nên trao đổi, chia sẻ, tìm hiểu phương pháp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ với giáo viên như:cha mẹ có thể hỏi cô giáo nội dung bài học (bài thơ, câu chuyện, toán, tạo hình,…) trong ngày,… để chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ ở nhà đạt hiệu quả cao nhất.
Bạn cần phải rất lạc quan vì con mình luôn có những trải nghiệm về trường học khác hẳn với những gì bạn hằng mong. Hãy nói với con bạn thích giáo viên, trường lớp và bạn bè của con. Hãy tìm điều gì đó tuyệt vời mỗi ngày con đi học và nói chuyện với con về điều đó. Kể cho con nghe những câu chuyện ngày xưa mình đi học mầm non, được cô giáo dạy đọc thơ, dạy hát, múa, kể chuyện, chơi trò chơi,.. những điều thật thú vị, ngộ nghĩnh.
Hành trang “nhập ngũ” của con đơn giản là một chiếc ba lô, và chiếc ba lô này sẽ thể hiện được sự quan tâm, chăm sóc của bố mẹ với con. Mẹ nên quan sát nơi để đồ của con ở lớp để mua ba lô cho phù hợp. Nhất thiết phải có địa chỉ, số điện thoại của bố hoặc mẹ và người thân ở gần trường bé nhất. Không nên ghi quá nhiều số điện thoại. Mẹ hãy chuẩn bị cho con ít nhất 2 bộ quần áo theo mùa, khăn thấm mồ hôi,… và thêm bỉm nếu con còn dùng bỉm. Cuối cùng, mẹ hãy cất vào ba lô của con một người bạn thú bông, hoặc đồ chơi mà con thích nhất, “người bạn” này sẽ an ủi con rất nhiều khi con đi học.
Cha mẹ hãy dành nhiều thời gian dạy con những thói quen tự phục vụ bản thân, cái gì tự làm được thì nên để con tự làm (tự đi dép, cởi quần, mặc quần, xúc cơm,…), đặc biệt, nên dạy và luôn nhắc nhở con các thói quen vệ sinh (rửa tay sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn, khi tay bẩn, luôn giữ gìn tay sạch sẽ…)… Tất nhiên, điều này còn phụ thuộc nhiều vào cá tính của từng bé, nhưng càng chuẩn bị cho con kĩ càng bao nhiêu thì việc đi học của con sẽ càng thuận lợi bấy nhiêu, bởi vì, chỉ có cha mẹ mới là người hiểu và yêu thương con nhất để biết điều gì con thực sự cần, điều gì giúp con khỏe mạnh và điều gì khiến con vui vẻ, hạnh phúc.
Tạo cho con thói quen “đọc sách” bằng cách cho trẻ quan sát truyện tranh, cha mẹ đọc truyện cho con nghe mỗi tối và duy trì thói quen đó. Thói quen này không những giúp ích cho trẻ mới bắt đầu đi học mà còn tích lũy tri thức, làm nền tảng vững chắc cho những bậc học tiếp theo. Thời gian sẽ trôi vèo và trước khi bạn kịp nhận ra thì con bạn đã vào lớp một rồi!
Chúc bố mẹ thành công!