Với trẻ nhỏ, yêu lao động để hiểu và yêu giá trị mà lao động mang lại cho chúng.
Hoạt động trải nghiệm trong vườn là cách giúp con trẻ gần gũi với thiên nhiên và yêu lao động. Ảnh minh họa.
Con người được sinh ra vốn đã yêu lao động. Những quan điểm về tâm lý học cho thấy, một đứa trẻ mới chập chững biết đi đã có nhu cầu muốn giúp mẹ làm việc, 2 tuổi biết lấy giúp mẹ một số đồ vật, 3 tuổi đã có ước muốn làm việc như người lớn, 4 - 5 tuổi đã biết tự mình thu dọn đồ chơi, quần áo… Điều đó chứng tỏ, lười biếng không phải bản tính của trẻ con.
Khi tôi hỏi về “lao động”, đại đa số các phụ huynh nghĩ rằng đó là “lao động chân tay, là sự vất vả”. Mọi người cũng nghĩ rằng động cơ để lao động chủ yếu là để “mưu sinh”, “kiếm tiền”. Thế nên đã có tiền, đã không phải lo “mưu sinh” thì cũng không cần phải rèn luyện qua lao động, không phải yêu lao động.
Một bộ phận phụ huynh lại nói với tôi rằng, họ đã rất nỗ lực để tạo dựng cuộc sống, họ muốn tụi nhỏ không phải lao động, mà chỉ tập trung vào học, học giỏi để thành công.
Tôi nghĩ mọi người đã nhầm về lao động. Lao động là gì nhỉ? Theo định nghĩa rất triết học “Lao động là sự tiêu dùng sức lao động trong hiện thực. Lao động là hoạt động có mục đích, có ý thức của con người nhằm tạo ra các sản phẩm phục vụ cho các nhu cầu của đời sống xã hội. Lao động là hoạt động đặc trưng nhất, là hoạt động sáng tạo của con người”.
Với trẻ nhỏ, yêu lao động để hiểu và yêu giá trị mà lao động mang lại cho chúng. Sự kiên trì, tập trung: Chắc hẳn cha mẹ nào cũng mong con có (mà sự thật họ nhận ra rằng, con mình nhanh nhẹn, thông minh, họ rất vui, nhưng họ cũng lo lắng vì con kém sự tập trung và kiên trì).
Chúng ta không thể nói suông bằng những lời giáo huấn: Con phải kiên trì, tập trung vào!!! Bởi những phẩm chất đó không thể có một sớm một chiều, chúng cần được tích lũy, thành thói quen. Chúng ta mong con mình linh hoạt, biết tìm cách làm hữu ích. Nhưng chắc chắn điều đó không thể hình thành thông qua những trò chơi điện tử, những giờ ngồi xem tivi, hay chỉ là đơn thuần sự ghi nhớ.
Nếu con chúng ta tỏ ra nhanh nhẹn, hứng thú trong một trò chơi, chúng ta cảm thấy vui. Nhưng giá mà chúng vẫn duy trì được điều đó khi được giao việc thì thật tốt. Nhưng hình như không phải vậy. Chúng chỉ nhanh khi tham gia giải trí mà thôi. Vậy thì niềm say mê, hứng thú, kiên trì, linh hoạt không thể hình thành trong lúc chơi được. Mà chỉ có thể thông qua lao động.
Ảnh minh họa.
Lao động có nặng nhọc không? Xin đừng nghĩ về “lao động” như thế! Khi chúng ta giao những công việc phù hợp cho trẻ, đó là cơ hội để trẻ trải nghiệm mà thôi.
Lúc 1 tuổi thì là dọn dẹp đồ chơi, ngủ đúng giờ, tự đi vệ sinh...; Lúc 2 tuổi lấy giúp người lớn đồ vật, cùng làm việc nhà; Lúc 3 tuổi bắt đầu làm những việc nhà độc lập: Gập quần áo của mình, dọn gọn gàng đồ dùng cá nhân, tự mang đồ khi đi nhà trẻ…; Lúc 4 tuổi: Chuẩn bị đồ dùng, dọn bát đũa, dọn bàn ăn, tự mang đồ khi tham gia dã ngoại…; Lúc 5 tuổi: Tham gia trồng cây, nuôi vật, làm các việc nhà khác như nhặt rau, nấu cơm…
Lao động và yêu lao động là hai phạm trù khác nhau. Điều ta muốn đó là trẻ yêu lao động. Vậy phải chuẩn bị điều đó thế nào. Muốn yêu thì bắt đầu phải bằng thích, hứng thú. Điều này chỉ làm được khi trẻ được sống trong môi trường có tình yêu lao động.
Cha mẹ phải là người yêu lao động. Làm việc có sự say mê, không tỏ ra bị cưỡng bức. Chúng ta làm con thấy giá trị của lao động không chỉ là của cải vật chất, mà chính là niềm hạnh phúc, là mục tiêu của cuộc sống. Giá trị đó mới làm cho chúng ta vui vẻ và tụi nhỏ nó cảm nhận được điều đó dễ dàng.
Cha mẹ giao việc cho con, nếu chỉ đánh giá kết quả thì không thể giúp con có được giá trị của lao động. Sự chuẩn bị của cha mẹ chính là quá trình cùng con lao động. Đây chính là một việc thật khó với tất cả chúng ta. Có vẻ như chúng ta không có thời gian, tâm sức cho việc đó. Tôi đã cùng 1 phụ huynh trao đổi điều này khi cùng họ chỉ ra “đâu thực sự là mối quan tâm, ưu tiên của chị dành cho con cái”. Chị nói tôi quan tâm đến “rèn sự kiên trì cho con”, nhưng nó không phải là ưu tiên của chị (khi tôi phân tích trên thực tế những suy nghĩ và hành động mà chị đã làm).
Vì sao tôi gọi là “sự chuẩn bị”. Vì không ai thay chúng ta làm điều đó. Chỉ có chúng ta mới làm được, và thực sự con cần chúng ta chuẩn bị cho nó. Những giá trị có được từ “yêu lao động”.
Tôi cũng nhớ 5 điều Bác Hồ dạy: Yêu Tổ quốc, Yêu đồng bào, Học tập tốt, Lao động tốt, Khiêm tốn – thật thà – dũng cảm.
Theo ý hiểu của tôi, lao động của tụi nhỏ có thể là việc học. Yêu lao động, chúng sẽ nhận ra mình phải dũng cảm, phải thật thà, phải khiêm tốn…