6 nguyên tắc quan trọng khi rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho trẻ
Việc dạy kỹ năng giao tiếp cho trẻ không còn là điều khó khăn nếu ba mẹ nắm vững những nguyên tắc sau đây.
Biết chào hỏi, dạ thưa và hỏi thăm sức khỏe người lớn tuổi
Đây là nguyên tắc quan trọng để dạy kỹ năng giao tiếp cho trẻ ba mẹ không nên bỏ qua. Trẻ nhỏ thường sẽ học theo cách cư xử, thái độ của ba mẹ nên ba mẹ hãy là tấm gương sáng cho con. Trong gia đình, ba mẹ hãy giúp con xây dựng mối quan hệ thân thiết và giao tiếp thường xuyên với ông bà.
Nếu ông bà không ở chung, hãy chia sẻ, tâm sự về ông bà để bé cảm nhận được tình cảm của mọi người dành cho bé. Bên cạnh đó, ba mẹ nên hướng dẫn con cách quan tâm, hỏi han sức khỏe ông bà để hình thành thói quen tốt cho trẻ.
Ngoài ra, ba mẹ có thể dạy kỹ năng giao tiếp cho trẻ với người lớn tuổi bằng những câu đơn giản như "Cháu chào ông/ bà", "Ông khỏe không ạ?" "Anh đi đâu vậy ạ?"... Khi nói chuyện, bé cần thể hiện thái độ lễ phép, không nên nói trống không, gật đầu hay lắc đầu mà phải dạ thưa.
Biết nói cảm ơn và xin lỗi đúng lúc
Nguyên tắc thứ 2 để dạy kỹ năng giao tiếp cho trẻ chính là dạy trẻ biết nói cảm ơn và xin lỗi chân thành. Khi trẻ nhận được quà, bánh hay được người khác giúp đỡ, trẻ nên nói cảm ơn. Ví dụ như "Cháu cảm ơn bà", "Mình cảm ơn bạn". Hãy giúp trẻ hiểu nói lời cảm ơn đúng lúc sẽ thể hiện được sự trân trọng đối với người đã mang đến điều tốt đẹp cho mình.
Cùng với lời cảm ơn thì xin lỗi chân thành cũng là phép lịch sự tối thiểu bé cần ghi nhớ. Ba mẹ nên giải thích cho trẻ hiểu xin lỗi khi bị sai lầm cũng là để bản thân nhìn nhận lỗi sai và hoàn thiện mình hơn.
Giao tiếp bằng ánh mắt
Ba mẹ hãy hướng dẫn bé khi giao tiếp với bất cứ ai cần phải hướng ánh mắt vào người đối diện. Điều này không chỉ giúp trẻ cảm thấy tự tin mà còn thể hiện sự tôn trọng đối với người khác. Có như vậy mới nâng cao hiệu quả giao tiếp tốt nhất.
Trả lời bằng câu hoàn chỉnh
Khả năng ngôn ngữ của trẻ nhỏ chưa được hoàn thiện nên khi giao tiếp trẻ thường nói những câu trống không. Ba mẹ cũng đừng quá lo lắng, hãy từ từ dạy kỹ năng giao tiếp cho trẻ bằng những câu trả lời đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ ngắn gọn. Ví dụ khi bạn hỏi "Con đang làm gì đấy?", hãy dạy trẻ trả lời "Con đang chơi đồ chơi ạ."
Việc dạy kỹ năng giao tiếp cho trẻ qua cách trả lời những câu hoàn chỉnh sẽ giúp trẻ hiểu được một câu có đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ. Hơn nữa, điều này còn thể hiện sự tôn trọng người hỏi.
Chủ động bày tỏ mong muốn
Ba mẹ nên tạo dựng mối quan hệ gần gũi trong giao tiếp với trẻ. Từ đó, trẻ cũng dễ dàng giao tiếp và mạnh dạn bày tỏ mong muốn của mình với ba mẹ hơn. Ba mẹ có thể dạy kỹ năng giao tiếp cho trẻ để giúp trẻ bày tỏ mong muốn của mình bằng cách đặt ra những câu hỏi trong từng tình huống khác nhau. Ví dụ như khi con đang chơi máy bay điều khiển, ba mẹ có thể hỏi "Cho ba chơi máy bay với con nhé!"
Bên cạnh đó, ba mẹ hãy dành thời gian chơi cùng con, lắng nghe, khuyến khích trẻ giao tiếp cởi mở và đừng quên những lời cổ vũ, khen ngợi đúng lúc.
Tôn trọng ý kiến và cảm xúc của người khác
Tôn trọng cảm xúc và ý kiến của người khác thể hiện qua giao tiếp như lắng nghe, không cắt ngang câu chuyện, không cướp lời, đóng góp ý kiến tích cực. Ba mẹ hãy làm gương để dạy kỹ năng giao tiếp cho trẻ một cách tự nhiên và hiệu quả nhất.
Với những nguyên tắc dạy kỹ năng giao tiếp cho trẻ trên đây, hi vọng ba mẹ có thêm nhiều thông tin hữu ích để giúp trẻ luôn tự tin, mạnh dạn và lễ phép. Ba mẹ hãy kiên nhẫn để giúp con hình thành thói quen tốt và xây dựng nền tảng vững chắc cho tương lai của bé nhé.