✌️ Thật là dễ dàng nếu như mọi lời nói của bạn đều được trẻ tiếp thu và nghe lời. Nhưng với những đứa trẻ bướng bỉnh và cá tính thì đây lại là một thách thức lớn với mọi ông bố bà mẹ.
Những đứa trẻ có ý chí mạnh mẽ thường rất thông minh, sáng tạo, hay hỏi nhiều và đôi khi làm bố mẹ chúng phát điên lên vì những trò nghịch ngợm khó hiểu. Quát mắng và căng thẳng không phải là cách giải quyết tốt với những em bé này.
👉👉 Gieo Hạt Cùng Vĩ Nhân gửi tới bạn: 35 câu nói tích cực trong các tình huống khác nhau giúp bạn “ứng phó” với những đứa trẻ cá tính một cách hòa bình và tôn trọng:
💁💁 Giao tiếp
1. “Có vẻ như khi mẹ nói, con không muốn đáp lại. Nếu sợ ai nghe thấy thì con có thể nói thầm với mẹ được không?”
Để con bạn lặp lại những gì bé nghe được sẽ củng cố thông điệp của bạn. Thay đổi âm lượng hoặc cách nói là một yếu tố thú vị giúp bé cởi mở hơn.
2. "Bố hiểu những gì con đang gặp phải rồi. Con có giải pháp nào cho việc này không?
Yêu cầu đứa con cá tính của bạn đưa ra giải pháp và chịu trách nhiệm cho những gì mà con đã làm.
3. “Ôi cái này khó thật đấy! Chúng ta sẽ cùng nhau tìm ra đáp án nhé!”
Khi trẻ đang cảm thấy bế tắc, điều quan trọng là bố mẹ cần thấu hiểu điều đó. Cụm từ này cho thấy bạn đang đứa về phía con và giúp con cảm thấy mình có đồng đội.
💁💁 Đánh và ném đồ
4. "Mẹ thấy con đang không muốn chơi đồ chơi này nữa đúng không? Vì con đã ném nó đi cơ mà”.
Cách nói này giúp truyền đạt cảm xúc một cách tích cực, không gây căng thẳng cho cả hai bên. Ngoài ra đây là cách giúp cuộc giao tiếp mở hơn, và sẽ cho con bạn cơ hội nói ra những suy nghĩ và quan điểm của chúng.
5. "Con tức giận cũng không sao cả, đó là cảm xúc rất bình thường. Nhưng bố mẹ không cho phép con được đánh người khác”.
Điều này khẳng định cho con biết rằng việc có cảm xúc là đương nhiên, nhưng không được phép thể hiện cảm xúc ấy bằng hành động tiêu cực.
💁💁 Bình tĩnh lại
6. "Bố thấy con đang mất kiểm soát đấy, chúng mình cùng đến chỗ nào yên lặng để bình tĩnh lại nhé!”
Điều này giúp trẻ không cảm thấy cô đơn, rằng vẫn có bạn bên cạnh để cùng vượt qua những cảm giác tồi tệ này.
7. "Mẹ đang cảm thấy mệt mỏi quá, mẹ cần 15 phút yên tĩnh để bình tâm lại”.
Dạy trẻ cách nhận diện và chi phối cảm xúc bằng việc mô hình hóa điều này trong 1 khoảng thời gian nhất định.
💁💁 Thay đổi hoạt động
8. "- Đã đến giờ đi tắm rồi, con cất đồ chơi đi nhé!
- Không, con chưa muốn đi tắm đâu, con muốn chơi tiếp cơ!
- Con muốn chơi đồ chơi tiếp hả? Vậy con cần bao nhiêu thời gian nữa thì sẽ sẵn sàng đi tắm? 10 phút nữa có được không?”
Câu nói trên vừa báo hiệu cho con biết mong muốn của bạn, vừa cho phép con có khoảng thời gian nhất định để thực hiện yêu cầu đó.
💁💁 Nhận diện cảm xúc
9. "Nếu màu xanh là bình tĩnh, màu vàng là thất vọng và màu đỏ là giận dữ, mẹ đang ở trong khu vực màu vàng hướng về màu đỏ. Vậy con đang là màu gì? Chúng mình có thể làm gì để trở về màu xanh nhỉ?”
Thay vì việc hỏi con đang cảm thấy thế nào, bố mẹ có thể đưa ra những minh họa cụ thể về cảm xúc để con lựa chọn. Điều này có thể làm bạn ngạc nhiên về những gì con nói và giải pháp mà con đưa ra đấy.
💁💁 Tình yêu và tình cảm
10. "Mẹ rất yêu con. Con đừng sợ, có mẹ ở đây rồi”. (Sau đó ngồi yên lặng với con để con được giải tỏa cảm xúc).
Khi con đang trong cơn giận dữ hoặc hoảng loạn, thường thì cơ thể chúng đang trải qua một phản ứng căng thẳng, theo đó chúng thực sự cảm thấy không an toàn. Câu nói trên giúp chúng biết rằng chúng được an toàn và được đồng cảm. Đây là một kỹ năng quan trọng để giúp con phục hồi sau cơn giận dữ.
💁💁 Đưa ra lời giải thích
11. "Con ơi, đây không phải là đồ chơi đâu, vì vậy bố sẽ để nó ở trên kệ nhé. Nếu con chạm vào nó thì nó sẽ bị vỡ đấy”.
Trẻ em thường coi trọng lý luận cũng như hành động của người lớn. Giải thích giúp trẻ học cách đưa ra lựa chọn tốt nhất.
💁💁 Cụ thể hóa
12. Thay vì nói: “Đến giờ ăn cơm rồi, không được ăn bánh quy nữa”
Hãy nói: “Đến giờ ăn cơm rồi, con đang có những món ăn rất ngon này, bánh quy sẽ ăn sau bữa ăn nhé!”.
Những đứa trẻ có ý chí mạnh mẽ có xu hướng bỏ qua chữ "không" khi chúng nghe nó nhiều lần và chúng cũng bắt đầu nói "không" với bố mẹ. Nhưng nếu bạn có yêu cầu cụ thể và chuyển nó sang thể khẳng định thì con sẽ hiểu hành động nào là được phép.
💁💁 Không phán xét
13. "Con đang thích kính của bố lắm phải không? Nhưng kính này là để đeo giúp mắt nhìn rõ hơn chứ không phải là đồ chơi đâu. Nó chỉ dành cho bố thôi”.
Nếu chúng ta quá khắc nghiệt hoặc khiển trách trẻ quá nhiều những đứa trẻ hiểu rằng chúng là đứa trẻ luôn phạm sai lầm và thất bại. Thay vào đó, chúng ta hãy cho con hiểu rằng, chúng ta hiểu con, biết rằng con đang rất muốn khám phá nhưng đâu là điều được phép và không được phép.
💁💁 Thay thế từ "Không"
14. "Tạm dừng”, “Đóng băng!"
Đối với nhiều phụ huynh, từ "không!" là một phản xạ. Đây như là một tiêu chuẩn để trẻ biết chúng đang sai. Nhưng với nhiều đứa trẻ lại phản ứng ngược lại. Vì vậy, bạn có thể thay thế nó bằng từ “Đóng băng” hoặc dùng câu khẳng định để con hiểu được thông điệp của bạn.
💁💁 Xây dựng sự tự tin ở trẻ
15. "Hãy thử xem, bố tin con có có khả năng đấy”.
Với những đứa trẻ bướng bỉnh chúng có nhiều động lực và ý chí thôi thúc hành động, vì vậy hãy để lời nói của bố mẹ tiếp thêm sức mạnh cho con. Giọng điệu và ngôn ngữ của chúng ta cũng cần tự tin để trẻ cảm nhận được điều đó.
16. "Bố thấy con thật dũng cảm."
17. "Con đã làm được rồi đấy."
Sự công nhận của bạn sẽ giúp con tiếp thêm sức mạnh để con thành công hơn.
18. "Bố mẹ tin vào con."
Bố mẹ cần có niềm tin vào khả năng của trẻ. Khi bạn thể hiện rõ ràng niềm tin đó, sẽ truyền cảm hứng cho trẻ.
19. "Mẹ nghĩ con có thể làm được những điều khó hơn đấy."
Việc khích lệ đứa trẻ và tin vào việc đứa trẻ có thể làm được những điều phi thường hơn nữa sẽ tiếp thêm động lực cho con.
20. "Ôi, làm thế nào mà con có thể làm được thế?”
Câu hỏi mở lại có phần ngưỡng mộ, giúp trẻ hào hứng để chia sẻ những gì mình làm được.
21. "Con hãy cố gắng hết sức nhé!”
Đôi khi kết quả chẳng quan trọng, quan trọng nhất là con đã cố gắng, nỗ lực hết mình.
22. "Bố nghĩ bài toán này thật khó, kể cả với bố ở độ tuổi của con cũng chưa chắc đã làm được. Nhưng bố đã từng thấy con giải được những bài toán khó tương tự trước đây rồi, nên bố tin con sẽ làm được đấy!”.
Nó có vẻ quá sức, nhưng hãy cho con bằng chứng và công nhận về sự thành công của con trước đây để con có thể cố gắng thêm 1 lần nữa.
23. "Con chỉ cần là con và tin vào bản thân mình là đủ”
Đôi khi thất bại khiến đứa trẻ hoảng loạn và tìm mọi cách thay đổi mình để đạt được thành công. Nhưng trước tiên hãy cho đứa trẻ ấy cần biết mình là ai và phải tin tưởng vào bản thân mình đã.
24. "Bố mẹ rất tự hào về con."
Hãy nói thẳng cảm nhận của bạn, điều này giúp con tự tin hơn đấy.
25. "Mẹ đang nghĩ điều gì xảy ra nếu như…”
Cấu trúc câu khơi gợi sự tò mò và trí tưởng tượng của con.
26. "Con có biết can đảm nghĩa là gì không?"
Trẻ yêu thích việc học những từ mới, nên bố mẹ có thể dạy con những từ ngữ hơi trừu một chút bằng cách hãy để chúng mường tượng và hình dung về từ ngữ ấy, thay vì nói “Con hãy can đảm lên”.
27. "Con có muốn nghe một câu chuyện không?”
Chia sẻ với con về những câu chuyện mà bạn đã gặp phải hay những lần cố gắng để đạt được kết quả để con được đồng cảm và tiếp thêm sức mạnh nhé!
28. "Con có muốn thử một làm điều này không?"
Thách thức những đứa trẻ có ý chí mạnh mẽ của bạn với những điều mà chúng nghĩ là vượt quá tầm với. Chúng có thể làm bạn và ngay cả chúng cũng ngạc nhiên đấy.
29. "Đôi khi những điều mới có vẻ đáng ngại, nhưng chúng cũng có thể rất thú vị nữa đấy."
Ngay cả bố mẹ đôi khi cũng ngại việc cho trẻ thử những món ăn mới, làm những điều mới. Nhưng trải nghiệm mới mang lại nhiều cảm giác thú vị, bài học và kinh nghiệm cho cuộc sống.
30. "Sai lầm đôi khi là bài học quý giá mà không phải lúc nào chúng ta cũng có cơ hội để học đâu”.
Mọi bài học đều có giá và học từ những sai lầm sẽ giúp ghi nhớ hơn nhiều lần.
31. "Hôm nay con đã thử thách bản thân như thế nào?"
Bắt đầu cuộc trò chuyện về phát triển, thay đổi và chấp nhận rủi ro. Với mỗi thử thách và thành tựu, sẽ giúp con ý thức và nâng cao lòng tự trọng.
32. "Nhắc lại theo mẹ nào: Mình có thể làm được”.
Khi chúng ta dạy những đứa trẻ có ý chí mạnh mẽ sử dụng những lời khẳng định tích cực từ khi còn nhỏ, chúng sẽ dễ dàng gặt hái được thành công khi chúng lớn lên.
💁💁 Khen ngợi
33. "Mẹ thích cách tết tóc của con hôm nay đấy. Con học cách tết này ở đâu vậy?”
Hãy khen ngợi trẻ em, đặc biệt là các em bé gái, vì đôi khi ngoại hình sẽ khiến chúng tự ti. Nếu bạn muốn bình luận về ngoại hình của con hãy tập trung vào những điểm mà có thể thay đổi được.
34. "Ôi, bức tranh con vẽ đẹp quá. Sao con lại có ý tưởng vẽ chúng thế?”
Với trẻ, mỗi 1 tác phẩm của mình đều chứa đựng suy nghĩ và cảm xúc của con. Việc ngắm nghía bức tranh là điều mà mọi đứa trẻ đều mong muốn ở bạn thay vì nói “Ừ, bức tranh này đẹp thật!”, nhưng không hề liếc nhìn nó.
35. "Mẹ thấy con đang rất chăm chỉ và nỗ lực để giải được những bài toán này. Mẹ nghĩ rằng con có thể giải quyết bài này tốt nếu như con thật sự tập trung vào nó đấy!”.
Khen ngợi con và nhìn vào điểm mạnh của con là cách để con cảm thấy mình được công nhận và có động lực hơn cho những lần kế tiếp.