Viêm đường hô hấp trên ở trẻ em là một bệnh lý thường gặp, có thể tái phát nhiều lần với các triệu chứng phổ biến như ho, sốt, sổ mũi,… Trẻ mắc bệnh cần được bác sĩ thăm khám và hỗ trợ điều trị sớm, tránh để bệnh kéo dài gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
Nguyên nhân trẻ bị viêm đường hô hấp trên
Các bệnh lý viêm đường hô hấp trên ở trẻ có thể được gây ra bởi nhiều tác nhân gây bệnh khác nhau gồm virus, vi khuẩn, nấm mốc, bụi bẩn. Trong đó, virus Cúm, Coronavirus, virus Adeno, Rhinovirus, liên cầu khuẩn tan máu nhóm A, phế cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn, nấm Cunninghamella, nấm Rhizopus, Rhizomucor, nấm Candida… là những tác nhân gây viêm đường hô hấp trên thường gặp.
Phần lớn trẻ dưới 5 tuổi mắc bệnh viêm đường hô hấp trên do virus gây ra. Bệnh thường sẽ khởi phát bằng sự nhiễm trùng do một loại virus, sau đó biến chứng thành nhiễm trùng do vi khuẩn và bắt đầu gây biểu hiện ra bên ngoài, dẫn đến tình trạng viêm họng, nhiễm trùng đường hô hấp trên.
Ngoài ra, một số yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở trẻ em như:
- Thể trạng sức khỏe kém: Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, trẻ sinh non, còi xương, suy dinh dưỡng hoặc gặp các vấn đề về hệ miễn dịch, suy giảm miễn dịch.
- Ảnh hưởng từ các yếu tố môi trường: Trẻ sống trong môi trường ô nhiễm, ẩm thấp, kém vệ sinh, nhiệt độ thấp hoặc có nhiều khói bụi, khói thuốc lá sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Triệu chứng trẻ viêm đường hô hấp trên
Các triệu chứng của viêm đường hô hấp trên ở trẻ em thường rất đa dạng. Chúng có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc kết hợp giữa nhiều triệu chứng với nhau, gồm:
- Sốt;
- Ho, ho theo từng cơn, ho khan có đờm hoặc không có đờm;
- Nghẹt mũi, sổ mũi;
- Đau, rát họng, khi nuốt có cảm giác vướng trong họng;
- Mệt mỏi;
- Chán ăn, bỏ ăn, bỏ bú;
- Đau đầu;
- Khàn tiếng
- Đau, ngứa mắt, chảy nước mắt;
- Khó thở, khò khè;
Đối với trẻ sơ sinh, các triệu chứng thường không có biểu hiện rõ ràng khi nhiễm bệnh nên bệnh có thể không được phát hiện sớm, chuyển biến nghiêm trọng và dẫn tới viêm phổi. Vì vậy, bố mẹ cần để ý kỹ các triệu chứng bất thường của trẻ và đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và hỗ trợ điều trị sớm khi trẻ có biểu hiện bú yếu, thở không đều, cánh mũi phập phồng, da xanh xao…
Điều trị trẻ bị viêm đường hô hấp trên
Tùy thuộc vào thể trạng sức khỏe, độ tuổi, nguyên nhân gây bệnh, mức độ nghiêm trọng của bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả nhất cho trẻ.
- Đối với bệnh ở mức độ nhẹ: Trẻ mắc bệnh viêm đường hô hấp trên ở mức độ nhẹ thường sẽ được điều trị tại nhà.
- Đối với bệnh ở mức độ vừa: Nếu trẻ bị viêm phế quản hoặc viêm phổi ở mức độ nhẹ với các triệu chứng như sốt, ho, thở nhanh (trên 50 nhịp/phút), trẻ cần được đưa đến bệnh viện kiểm tra và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ càng sớm càng tốt.
- Đối với bệnh ở mức độ nặng: Lúc này, viêm đường hô hấp trên có thể đã chuyển biến thành viêm phổi, các triệu chứng trở nên nghiêm trọng và dữ dội hơn (cơ ho nặng dần, ho liên tục, ho có rút lồng ngực, thở nhanh…). Bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức.
- Đối với bệnh ở mức độ rất nặng: Bệnh có thể đã gây ra biến chứng nguy hiểm, trẻ có biểu hiện ho nặng, da tím tái, thở nhanh, co rút lồng ngực… Lúc này bé cần được điều trị tích cực và theo dõi tại bệnh viện để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Lưu ý, khi trẻ mắc bệnh, bố mẹ tuyệt đối không được cho trẻ uống thuốc khi không có sự đồng ý của bác sĩ. Loại thuốc và liều lượng thuốc cần phải tuân thủ đúng theo chỉ định bác sĩ yêu cầu. Các loại thuốc thường được sử dụng trong điều trị viêm đường hô hấp ở trẻ gồm: thuốc hạ sốt (Paracetamol, Ibuprofen), thuốc kháng sinh (Penicillin V, Amoxicillin…), thuốc kháng viêm và thuốc chống phù nề.